KG Mobility sẽ mở rộng hoạt động kinh doanh ra nhiều lĩnh vực mới.
Trong thông báo chính thức đưa ra, KG Mobility cho biết: “Đây là bước đi đầu tiên của công ty trong việc chuyển đổi mô hình hoạt động trở thành doanh nghiệp phục vụ nhu cầu di chuyển, tập trung vào các công nghệ tiên tiến, bao gồm cả việc phát triển nền tảng xe điện và xe tự hành”.
Ngoài ra, KG Mobility cũng sẽ nhảy vào sân chơi kinh doanh xe đã qua sử dụng, trong đó tập trung bán các mẫu xe mới “ra đường” chưa đến 5 năm và di chuyển dưới 100.000 km.
Trước đó, những thông tin về việc hãng ô tô Hàn Quốc cân nhắc đổi tên đã rộ lên sau khi một liên minh do KG Mobility thâu tóm 62% cổ phần của Ssangyong vào cuối năm 2022.
Ssangyong khởi nghiệp với tên gọi Ha Dong-Hwan Motor Workshop vào năm 1954, trước khi đổi tên thành Shinjin Motors vào năm 1967, rồi Dong-A Motor vào năm 1977. Tên gọi Ssangyong lần đầu được sử dụng là vào năm 1998. Kể từ năm 2011, Ssangyong thuộc về tập đoàn Mahindra của Ấn Độ.
Trong những năm gần đây, số phận Ssangyong khá long đong với việc kinh doanh không mấy sáng sủa. Điểm sáng hiếm hoi của Ssangyong thời gian qua là sự thành công của mẫu SUV cỡ trung Torres, mẫu xe mới đầu tiên của hãng trong 4 năm. Theo kế hoạch, tại Seoul Motor Show 2023 (Hàn Quốc) vào ngày 31-3 tới, KG Mobility sẽ giới thiệu phiên bản EVX chạy điện của Torres.
Tại Việt Nam, hiện nay, Daehan Motors nắm quyền nhập khẩu và phân phối các dòng xe SsangYong. Tuy nhiên, ngay khi Nghị định 116/2017/NĐ-CP về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực từ năm 2018, các hoạt động kinh doanh và quảng bá của thương hiệu gần như dừng lại.
Nhiều mẫu xe của Ssangyong được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, trong đó có thể kể tới Korando, Musso, Stavic, Tivoli, Rexton…
Trong số này, Tivoli là cái tên mới nhất, ra mắt vào năm 2016 với giá khoảng 630 triệu đồng, nhưng phải cạnh tranh khá vất vả trên thị trường, chủ yếu do sức ép từ các đối thủ "đồng hương" của Hyundai và KIA.
Gửi phản hồi
In bài viết