Vượt khó vươn lên
Men theo tuyến đường bê tông mới hai bên xanh mướt ruộng đồng, làng tái định cư ở thôn Hoàng Sơn và Hoa Sơn nằm dưới chân đập Đèo Hoa dần hiện qua những nếp nhà sàn khang trang. Đây là nơi sinh sống của 70% số hộ tái định cư từ Thúy Loa chuyển về. 18 năm là khoảng thời gian không quá dài, nhưng đủ để bà con di dân nơi đây thay đổi cuộc sống, vươn lên thoát đói nghèo, tìm được hạnh phúc trên quê hương mới…
Tiếp đón chúng tôi trong ngôi nhà sàn mới xây, chị Nguyễn Thị Xuân, thôn Hoàng Sơn xúc động nhớ lại ngày tháng ban đầu. Chị bảo, bà con tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương. Thế nhưng, cái nếp sinh hoạt vùng cao đã ăn sâu trong tiềm thức. Chuyển về đây rồi, nhưng ai cũng nhớ nhà, nhớ quê. Mất vài năm đầu, bà con mỏi mòn đi lại giữa nhà mới - quê cũ. Chỉ tay ra đám mạ xanh mướt vừa cấy, chị Xuân nói, 5 sào ruộng được cấp tại nơi ở mới, vợ chồng chị dành 3 sào cấy lúa lai tăng năng suất, 2 sào còn lại thay phiên trồng lạc, trồng ngô… Ruộng ít thì mỗi nhà lại nuôi thêm gà, lợn tăng gia. Có nhà thì đi làm công ty, tự mở xưởng mộc hoặc kinh doanh buôn bán. Cứ thế dần dà, bà con di dân thích nghi với quê mới. Mọi người đoàn kết, bảo nhau làm ăn ở đây, để nhường lại mảnh đất quê hương cho hồ thủy điện...
Tuyến đường bê tông liên thôn nối liền khu tái định cư thôn Hoàng Sơn và Hoa Sơn được hoàn thiện năm 2021.
Giống như bao hộ di dân khác, chị Nguyễn Thị Biện, thôn Hoa Sơn mất 3 năm để làm quen với nơi ở mới. Đó là những tháng ngày bấp bênh, chông chênh tìm đường làm ăn phát triển kinh tế sao cho hiệu quả. Chị bảo, Nhà nước hỗ trợ một phần, mình cũng phải tự lực vươn lên. Từ số tiền đền bù, vợ chồng chị Biện dựng một ngôi nhà nhỏ để an cư. Còn lại, anh chị đầu tư, phát triển đàn lợn của gia đình. Thời điểm nhiều nhất, gia đình chị Biện có 60 con lợn thịt, 10 lợn nái. Chăn nuôi đi vào ổn định, chị mở thêm cửa hàng xát gạo, nghiền cám phục vụ nhu cầu bà con địa phương, anh đi làm công ty kiếm thêm thu nhập. Nhờ chuyên tâm làm ăn phát triển kinh tế, nay gia đình chị xây dựng được ngôi nhà sàn mới khang trang hơn, con cái được ăn học đầy đủ.
Thôn Hoàng Sơn và Hoa Sơn, xã Chân Sơn nằm cách Quốc lộ 2 hơn 8 km, bà con nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp. Nguồn nước dồi dào từ đập Đèo Hoa khiến vùng đất này trở nên xanh mát và trù phú. Đồng chí Bàn Thanh Cảnh, Bí thư Chi bộ thôn Hoa Sơn chia sẻ, để tạo thuận lợi cho người dân tái định cư ổn định cuộc sống, các đoàn thể trong thôn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tự lực phát triển kinh tế; giới thiệu nguồn vốn vay ưu đãi để bà con được tiếp cận; vận động người dân áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất… Đến nay, đời sống của đồng bào tái định cư trong thôn cơ bản đã ổn định.
Đoàn kết xây dựng quê hương mới
Hoàng Sơn là thôn có nhiều đồng bào tái định cư sinh sống nhất với 31 hộ, 134 nhân khẩu. Trưởng thôn Trần Ngọc Dư cho biết, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhiều tuyến đường liên thôn, nội đồng, hệ thống kênh mương trên địa bàn đã được đầu tư xây dựng và hoàn thiện. Từ đó tạo điều kiện để bà con làm ăn phát triển kinh tế. Nhiều hộ gia đình vươn lên phát triển kinh tế, tạo được nguồn thu nhập ổn định như hộ gia đình ông Mã Văn Nhất, Nguyễn Văn Bẩy, Mã Văn Bàn…
Ông Mã Văn Nhất, thôn Hoàng Sơn chia sẻ, chuyển về nơi ở mới gần đường, gần chợ, công việc làm ăn kinh doanh của gia đình cũng thuận lợi hơn. Ngoài chăn nuôi lợn thịt, ông còn trồng hơn 1 ha rừng keo, vừa qua khai thác cho thu hơn 90 triệu đồng.
Bên cạnh phát triển kinh tế rừng, làm nông nghiệp, chăn nuôi, bà con cũng tích cực tìm hướng đi mới nhằm tăng thêm thu nhập như xuất khẩu lao động, làm việc tại khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh… Riêng thôn Hoàng Sơn có gần 50 lao động làm việc tại nhà máy may, công ty chế biến gỗ, công ty linh kiện điện tử với mức thu nhập hàng tháng từ 7 - 10 triệu đồng. Số hộ nghèo trong thôn giảm qua từng năm. Đến nay, khu tái định cư chỉ còn 6 hộ nghèo.
Gia đình chị Nguyễn Thị Xuân, khu tái định cư thôn Hoàng Sơn trong ngôi nhà sàn cột bê tông mới hoàn thành.
Theo Bí thư Chi bộ thôn Hoa Sơn Bàn Thanh Cảnh, không chỉ giúp nhau làm ăn phát triển kinh tế, bà con còn tích cực trong việc làng, việc xã. Mỗi khi có công việc chung cần huy động nhân lực, vật lực như hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng công trình nông thôn mới, vệ sinh đường làng ngõ xóm, giúp đỡ con hộ nghèo được đến trường… bà con lại bảo ban nhau chung tay góp sức, sẻ chia. Để góp phần xây dựng nông thôn mới văn minh, bà con cũng dần bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. Thế hệ trẻ ngày nay luôn được khuyến khích học hành và bảo ban cùng nhau xây dựng nếp sống văn minh mới…
Nhằm hỗ trợ cho các hộ dân tái định cư vươn lên, những năm qua, xã Chân Sơn đã kịp thời triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đến với từng hộ dân. Hàng năm, Ban Quản lý hợp tác xã phối hợp Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Yên Sơn tổ chức các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp; tạo điều kiện cho bà con tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi phát triển kinh tế, xây dựng nhà cửa; tư vấn học nghề, xuất khẩu lao động… Từ năm 2004 đến nay, có 7 công trình giao thông, 3 công trình thủy lợi, 4 công trình thoát nước và vệ sinh môi trường cùng hệ thống nhà lớp học, nhà văn hóa, chợ trung tâm… được xây dựng tại khu tái định cư. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng đời sống của bà con nhân dân.
Đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Chân Sơn Nguyễn Mạnh Hòa nhấn mạnh, Đảng ủy, chính quyền xã luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào tái định cư. Cùng với sự giúp sức của chính quyền, bà con tái định cư luôn có tinh thần nỗ lực vươn lên thoát nghèo, không trông chờ ỷ lại, cùng nhau xây dựng cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc.
Gần 2 thập kỷ sống trên quê hương mới, giờ đây những làn điệu Then, đàn Tính nơi quê cũ vẫn hòa vào vùng đất mới Chân Sơn. Dẫu biết vẫn còn những khó khăn, vất vả, thế nhưng giờ đây khu tái định cư năm nào đã khoác lên mình tấm áo mới khang trang, tươi tắn hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết