Tư duy khác biệt
Năm 1986, gia đình anh Dũng là 1 trong 2 gia đình từ xã Xuân Lập (Lâm Bình) rời xuống Làng Un, xã Kiến Thiết (Yên Sơn) lập nghiệp. Mấy chục năm qua, nhờ ơn Đảng, Nhà nước, dân trí của người Mông được nâng lên. Người Mông tiến bộ hơn, biết chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đời sống của người Mông bớt khó khăn hơn song anh Dũng cảm thấy vẫn chưa hài lòng. Anh vẫn khát khao có một loại cây trồng làm thay đổi tư duy, cuộc sống của đồng bào mình.
Năm 2012, anh Dũng thấy nhiều lái buôn vào tận thôn tìm, thu mua chuối tây. Anh Dũng nhận thấy người ta đi tìm chứng tỏ rất cần và nhu cầu rất thiếu. Anh ra xã Trung Trực, thấy người dân chặt chuối thu tiền triệu nên anh bàn với vợ, bỏ ngô trồng chuối.
Trên diện tích trồng được 50kg ngô giống, anh Dũng trồng toàn bộ chuối tây. Số lượng khoảng 2.000 gốc. Người Mông trong làng lắc đầu bảo “Làm không nên ăn đâu”. Ngô không bán được thì cho con trâu, con bò, con lợn, con gà… chuối mà không bán được chỉ chặt bỏ đi. Vợ chồng anh cũng thấp thỏm nhưng thôi kệ: “Được ăn cả, ngã về không”.
3 năm qua, anh Dũng đã trồng được gần 700 gốc đào rừng.
Một năm sau, cây chuối cho thu hoạch. Bao nhọc nhằn, khổ cực của 2 vợ chồng anh được đền đáp. Những năm 2013, anh Dũng thu được 6-7 triệu đồng/ngày từ cây chuối. Đó là thu nhập “khủng”, dường như chỉ có trong mơ với đồng bào Mông. Nhớ lại thời hoàng kim của cây chuối, anh Thào A Dị, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn bảo, nhờ có anh Dũng, đồng bào Mông ùn ùn chuyển đổi cây trồng ngô, gừng, đậu tương sang cây chuối, khí thế lao động sản xuất tưng bừng.
Sau thời gian gắn với cây chuối, anh Dũng nhận ra, tuổi thọ của cây chuối chỉ được khoảng từ 7-8 năm. Khi cây chuối đã bị bệnh, không có thuốc đặc trị, chắc chắn phải chặt bỏ ngay vì tốc độ lây lan bệnh rất nhanh. Bên cạnh đó, cây chuối sẽ dần bão hòa, giá cả thị trường thì bấp bênh không ổn định, xét về lâu dài, cây chuối sẽ không có hiệu quả cao. Từ đó, anh Dũng manh nha tìm kiếm cây trồng khác khắc phục được những hạn chế của cây chuối, đặc biệt là sản phẩm có giá trị cao và ổn định.
Một mặt, anh Dũng vẫn duy trì diện tích chuối, mặt khác anh từng bước chuyển dịch sang trồng bưởi. Nhiều người dân nhạo báng “Ông trồng bưởi để đá bóng à?”. Anh Dũng hơi buồn nhưng chẳng để bụng. Với người Mông, cứ mắt thấy, tai nghe, tay sờ thì họ sẽ tin thôi.
Anh dùng một phần thu nhập từ chuối mua giống, vật tư trồng bưởi. Đến năm 2016, cây chuối cuối cùng chặt bỏ là gia đình anh có vườn bưởi 6 năm tuổi với 1.100 gốc bưởi các loại gồm: bưởi da xanh, bưởi Diễn, bưởi Cát Quế. Trong đó, đã quá nửa diện tích cho thu hoạch.
Tiên phong để người Mông hết nghèo
Nhờ sự tiên phong của anh Vàng Seo Dũng, cuộc “đại cách mạng” lần thứ 2 đã đến với Làng Un. Một Làng Un được coi là “thủ phủ” chuối nay đã chuyển thành “thủ phủ” cây có múi với khoảng 30 ha. Đồng chí Ma Ngọc Trân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết, xã có 10/17 thôn có đồng bào Mông. Trong đó, cuộc sống đồng bào Mông ở Làng Un khấm khá hơn cả. Đóng góp quan trọng vào đời sống kinh tế ấy, có sự mạnh dạn, tiên phong của anh Dũng. Không chỉ là một trong những người tiên phong trồng bưởi, vườn bưởi của anh Dũng hiện có quy hoạch tập trung, quy mô lớn nhất trên địa bàn xã.
Anh Dũng đưa tôi đi tham quan nơi sản xuất của gia đình. Nơi đây cũng là khu sản xuất với hàng chục hộ dân khác. Con đường đất dài 3km dẫn vào khe Khuổi Choòng sau những ngày mưa càng gập ghềnh, trơn trượt. Hai bên đường, cây bưởi, cây cam xanh ngắt. Tôi nín thở qua mỗi khúc cua, con dốc. Anh Dũng trấn an: “Nếu sợ, nhà báo cứ nhắm mắt vào. Tuyến đường này cực quá! Nhưng đồng bào chúng tôi ngày ngày vẫn đi, cũng quen rồi. Chỉ mong được Nhà nước hỗ trợ, giá cam, giá bưởi tăng lên, bà con sẽ phấn khởi hơn nữa”.
Noi gương anh Vàng Seo Dũng, người dân Làng Un, xã Kiến Thiết trồng cây có múi và thoát nghèo.
Chúng tôi dừng lại gần cuối con đường khó, cũng là tới đồi bưởi của anh Dũng. Từ chân đồi, xuyên giữa màu xanh bát ngát, giữa hương bưởi ngát thơm, chúng tôi mệt nhoài leo lên đỉnh đồi. “Khu này là trồng bưởi Diễn này, trên đỉnh đồi là bưởi Da xanh này” - Anh Dũng giới thiệu. Từng hàng bưởi thẳng thắp, vươn mình đón nắng. Mới được dạo một vòng từ chân lên đỉnh đồi chừng 1km, tôi mới thấm thía, anh Dũng và đồng bào Mông nơi đây phải tốn biết bao công sức như nào để có “trái ngọt”.
Nơi đây vốn địa hình đồi núi cao, việc trồng, chăm sóc cây có múi càng vất vả, nhọc nhằn. Nhưng cây bưởi, cây cam ít sâu bệnh hơn, vỏ bóng hơn, múi mọng nước hơn. Riêng năm 2021, anh Dũng thu được trên 200 triệu sau khi trừ chi phí từ cây bưởi. “Thương lái đến thu mua bưởi chẳng ai chê được câu nào. Mỗi tội, đường xấu quá nên bao giờ giá cũng thấp hơn vùng khác vài giá”.
Ông Vàng Seo Giáo, bố đẻ của anh Dũng ở cái tuổi 72 nhưng vẫn còn nhanh nhẹn lắm. Tay thoăn thoắt thụ phấn cho bưởi, ông kể: “Xưa thằng Dũng nó trồng bưởi, tôi là người phản đối kịch liệt. Sau 1 năm, tôi thấy bưởi lớn nhanh quá nên tôi trồng theo. Tôi trồng được 500 gốc, nay đã có 300 cây cho thu hoạch. Cây mới bói quả thôi, chưa có thu nhập nhiều nhưng tôi tin là cây bưởi đem lại cuộc sống mới cho đồng bào Mông”.
Thôn có 92 hộ. Trong đó, có trên 70 hộ trồng bưởi, cam. Đa phần là người Mông, người Tày, người Dao. Noi gương anh Dũng, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng thành công với cây bưởi, anh Vàng Seo Xóa cũng mạnh dạn trồng cây cam Vinh. Anh trở thành người đầu tiên của Làng Un trồng cam. Những năm qua, nhờ cây cam, gia đình anh Xóa thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi năm. Anh đã xây dựng được ngôi nhà 3 tầng khang trang nhất thôn.
Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thào A Dị, hồ hởi: “Anh Dũng toàn nghĩ khác, làm khác người khác thôi. Cách đây 3 năm, anh Dũng cũng ươm được gần 700 cây đào rừng từ cây đào mẹ này để về trồng bên đồi khác. Năm vừa rồi, đào ra hoa đẹp lắm rồi”.
Kể chuyện trồng đào, anh Dũng cười bảo: “Người Mông mình nó không chơi đào ngày Tết. Nhưng người Kinh, người Tày, người Dao vào đây tìm mua đào rừng chơi Tết nhiều lắm. Tôi nghĩ, hay cứ trồng đào đi. Dành khoảng 1ha đất định trồng cây có múi, tôi trồng được 700 gốc đào rồi. Biết đâu, 1, 2 năm nữa, có con đường đẹp vào đây, người ta nô nức vào đây chụp ảnh với đào, có thêm thu nhập. Bà con nhìn thấy tôi có thu nhập, sẽ làm theo, học theo, đời sống sẽ được cải thiện”.
Anh Dũng bật mí thêm, anh có đất sản xuất trên núi Nặm Tròn, nơi cao nhất của Kiến Thiết. Đứng ở đây, một phần của Kiến Thiết được thu vào tầm mắt. Anh Dũng đã trồng hoa tam giác mạch và nở rộ. Đầu năm 2022, anh trồng 1.200 cây hoa anh đào, hứa hẹn 3 năm nữa ra hoa. Anh còn ghép trên 1.000 cành lan lên cây rừng, tháng 4 này sẽ ra hoa. Tết Nguyên đán 2022 vừa rồi, Nặm Tròn trở thành điểm đến mới với người dân Làng Un. Họ lên vui chơi, dã ngoại, nô nức vui đùa.
Anh Dũng chia sẻ, người Mông thật thà, chất phác nhưng tư duy ngại thay đổi. Nếu không có sự đột phá, thì đời này qua đời khác, các thế hệ người Mông sẽ cứ quanh đi, quẩn lại quanh vòng tròn mà không thể tiến xa được. Chẳng ai đặt cho mình trọng trách phải thay đổi tư duy cho đồng bào mình nhưng anh cứ khát khao thế nên tìm tòi, học hỏi, làm gương. Biết đâu đấy, sau này Làng Un sẽ xây dựng được làng văn hóa giàu bản sắc dân tộc Mông, trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, người Mông sung túc và giàu có hơn.
Tôi thấy đôi mắt Vàng Seo Dũng lấp lánh niềm khát khao, hy vọng.
Gửi phản hồi
In bài viết