Doanh nghiệp Việt nắm trong tay chưa đến 20% dữ liệu "trên mây"
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, điện toán đám mây là một trong các trọng tâm của chiến lược hạ tầng số, bên cạnh hạ tầng kết nối viễn thông như 5G, một số platform thiết yếu, hay internet cáp quang.
Tuy nhiên, theo các số liệu trong và ngoài nước, Việt Nam hiện có khoảng 40 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhưng chỉ chiếm 19,68% thị phần. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài nắm giữ tới hơn 80% thị phần (Amazon Web Services chiếm nhiều nhất với 33%, Google và Microsoft cùng chiếm 21%).
Theo nhận định của một số chuyên gia tư vấn chiến lược, nguyên nhân đến từ việc, doanh nghiệp Việt Nam mới cung cấp chủ yếu dịch vụ hạ tầng điện toán đám mây (cloud). Còn dịch vụ nền tảng và phần mềm trên cloud chưa khai thác được nhiều dù mảng này mới đem lại doanh thu và tăng trưởng lớn.
Theo các số liệu trong và ngoài nước, Việt Nam hiện có khoảng 40 nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, nhưng chỉ chiếm 19,68% thị phần
Mặt khác, SMEs (doanh nghiệp vừa và nhỏ) và startup cần một hệ sinh thái cung cấp đầy đủ các dịch vụ, nên có xu hướng thuê cloud của nhà cung cấp nước ngoài.
Ông Luke Treloar, Giám đốc Chiến lược tại KPMG Việt Nam cũng lưu ý thêm rằng, sự chênh lệch thị phần cũng đến từ việc các nhà cung cấp nước ngoài đã bước vào ngành này sớm hơn nhiều so với các nhà cung cấp nội địa. Đặc biệt, các công ty nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng ưu tiên sử dụng hạ tầng cloud của những nhà cung cấp toàn cầu.
Theo dự báo của KPMG, thị trường cloud toàn cầu sẽ tăng trưởng từ 25-30% trong 5 năm tới, và Việt Nam có thể có mức tăng cao hơn. Nếu không lập tức hành động để nắm bắt cơ hội, các nhà cung cấp Việt Nam sẽ bỏ lỡ “thời cơ vàng”, và tăng trưởng sẽ chỉ rơi vào tay các công ty công nghệ lớn (Big Tech) như Amazon, Microsoft, Google...
Mặt khác, việc dữ liệu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước của Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ tiềm ẩn những rủi ro lớn. Trong khi đó, việc bảo đảm chủ quyền trên không gian mạng là điều bắt buộc, càng khiến việc có một doanh nghiệp đi đầu trong hạ tầng điện toán đám mây trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tại Việt Nam, doanh nghiệp có hạ tầng điện toán đám mây lớn nhất là Viettel. Đây cũng đồng thời là tập đoàn công nghệ lớn nhất, có nhiều dịch vụ nền tảng và phần mềm trên cloud nhất… cùng tầm nhìn “Sáng tạo vì con người” và sứ mệnh “Tiên phong chủ lực kiến tạo xã hội số”.
Nói cách khác, khi nhìn vào cuộc chiến cloud với các Big Tech, “mọi con mắt” sẽ đổ dồn vào Viettel đầu tiên và tất nhiên Viettel không thể đứng ngoài cuộc chơi này.
Mấu chốt để giành lại thị phần
Ngày 14/10, Tập đoàn Viettel đã cho ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, với tầm nhìn “mỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam đều sẽ có một kho dữ liệu trên nền tảng điện toán đám mây của Viettel”. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là: “Đối mặt với các Big Tech của thế giới, Viettel có những "vũ khí" nào để hiện thức hóa được tầm nhìn đó?”.
Theo khảo sát của KPMG, khi lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ cloud, hầu hết doanh nghiệp trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương quan tâm đặc biệt đến các yếu tố: an toàn/an ninh mạng, tính linh hoạt, khả năng quy mô hóa và chi phí.
Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu cho biết, về mặt an ninh, các tiêu chuẩn của Việt Nam khác so với trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế đã cao, nhưng Việt Nam còn có thêm yêu cầu về tiêu chuẩn bảo mật.
Với yếu tố số 1 được KPMG đề cập là an toàn, điểm mạnh quan trọng nhất của Viettel Cloud là có công nghệ bảo mật, tin cậy đạt chuẩn quốc tế với các chứng chỉ ISO, tiêu chuẩn bảo mật cho thương mại điện tử và là đơn vị duy nhất tại Việt Nam đạt chứng chỉ AICPA SOC1,2,3 của Viện kế toán công chứng Mỹ. Đặc biệt, Viettel là doanh nghiệp hàng đầu có kinh nghiệm triển khai các sản phẩm đạt an toàn thông tin cấp độ 4.
Bên cạnh đó, Viettel Cloud còn sở hữu đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về cloud tại Việt Nam với quy mô trên 500 nhân sự, cùng với gần 1.000 nhân sự công nghệ thông tin, quản trị mạng và an toàn thông tin. Đội ngũ này đã có kinh nghiệm triển khai và vận hành khai thác hệ thống viễn thông và CNTT tại 11 quốc gia trên thế giới, với quy trình vận hành chuẩn quốc tế khắt khe nhất. Viettel Cloud cam kết dịch vụ sẵn sàng hoạt động ở mức tối thiểu 99,99%.
Theo phân tích, nhận định của Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu, người được biết đến là người sáng lập ra Cộng đồng Cloud nguồn mở Việt Nam, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (VFOSSA) thuộc Hội Tin học Việt Nam, đồng thời là đại diện của Việt Nam tại Cộng đồng nguồn mở toàn cầu OpenInfra Foundation, về mặt an ninh, các tiêu chuẩn của Việt Nam khác so với trên thế giới.
Tiêu chuẩn quốc tế đã cao, nhưng Việt Nam còn có thêm yêu cầu về tiêu chuẩn bảo mật. Ở Việt Nam, Viettel đã đạt chứng nhận bảo mật an toàn thông tin cấp độ 4 dành cho Chính phủ và đủ tiêu chuẩn phục vụ khối khách hàng bộ, ban, ngành, các cơ quan Nhà nước.
Liên quan đến tính linh hoạt và khả năng quy mô hóa, lãnh đạo phụ trách mảng chiến lược KPMG Việt Nam và Cambodia cho rằng, các nhà cung cấp nước ngoài có thể sẽ gặp khó vì kinh doanh ở Việt Nam phải vận hành theo cách bản địa. Trong khi đó, Viettel có lợi thế về điểm này, vì hiểu vấn đề, mong muốn của doanh nghiệp, cũng như hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
Một thế mạnh quan trọng nữa của Viettel Cloud là có khả năng tự động mở rộng hoặc thu gọn tài nguyên vô cùng linh hoạt theo đúng nhu cầu người sử dụng. Nhờ đó, chi phí sử dụng tài nguyên cloud cũng được tối ưu, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, thời gian và quản lý hạ tầng công nghệ thông tin để tập trung hơn kinh doanh.
Như vậy, với những “vũ khí” nếu trên, Viettel Cloud được kỳ vọng sẽ giành lại thị phần cloud tại Việt Nam, cũng như chứng minh được sức mạnh của công nghệ do người Việt làm chủ với thế giới.
Gửi phản hồi
In bài viết