Hiểm họa từ vật nuôi thả rông trên đường

- Dù đã có quy định và các chế tài xử phạt, tuy nhiên tình trạng thả rông vật nuôi gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông vẫn còn tồn tại gây nhiều bức xúc. Thực tế đã có nhiều vụ tai nạn xảy ra liên quan đến vật nuôi thả rông. Đa phần sau đó nạn nhân phải tự giải quyết hậu quả bởi chủ vật nuôi không nhận trách nhiệm khi có sự cố xảy ra.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông ngày 2-6 khiến 2 em nhỏ bị thương nặng.

Mới đây vào lúc 17h30’ ngày 2 - 6, trên tuyến Quốc lộ 2 cũ đoạn km5 thuộc thôn 4, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang) đã xảy ra vụ tai nạn liên quan đến vật nuôi thả rông. Chiếc xe máy mang biển kiểm soát 72C2 – 384.68 do anh Phạm Thái Hùng, trú tại phường 7, Vũng Tàu (Bà Rịa Vũng Tàu) điều khiển sau khi đâm phải một con chó đã bị mất lái và đâm vào em Đ.T.L sinh năm 2010 và em Đ.T.P sinh năm 2018 đều trú tại thôn 4, xã Lưỡng Vượng đang đi qua đường. Hậu quả khiến em Đ.T.L và em Đ.T.P bị chấn thương nặng.

Chị Đặng Xuân Hoàn, tổ 5, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) chứng kiến sự việc bức xúc, việc chó thả rông gây tai nạn thật sự cần đáng lên án. Có lẽ chế tài xử phạt chưa được thắt chặt nên nhiều người nuôi động vật cảnh và gia súc vẫn còn coi thường pháp luật. Thậm chí nhiều vụ tai nạn do vật nuôi gây ra người chủ còn chối bỏ trách nhiệm, không đền bù thiệt hại.

Cũng từng là một nạn nhân, chị Trần Thu Trang, xã Thái Bình (Yên Sơn) nói, hôm ấy vào cuối tháng 4, sau khi kết thúc buổi dạy học và trên đường trở về nhà, trời nhập nhoạng tối nên chị đâm phải một con chó chạy qua đường. Rất may chị chỉ bị trầy xước và tím ngoài da. Con chó sau đó cũng chạy biến mất mà không biết ai là chủ. Nếu hôm ấy chị đi tốc độ nhanh hơn thì không biết hậu quả sẽ thế nào…

Thực tế trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, tình trạng vật nuôi thả rông vẫn còn phổ biến, thậm chí đáng báo động mặc dù pháp luật đã có những quy định  rõ ràng. Theo đó tại khoản 2, điều 34, Luật Giao thông đường bộ quy định: “Không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới”. Điểm c, khoản 2, điều 35 nêu rõ hành vi không được thực hiện là: “Thả rông súc vật trên đường bộ”. Tại điều 7, Nghị định 144/2021 của Chính phủ đã quy định hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị, nơi công cộng, để vật nuôi xâm lấn lòng đường, vỉa hè hoặc vô tình gây thương tích, tổn hại đến sức khỏe người khác có thể bị phạt cảnh cáo từ 300.000 – 500.000 đồng. Trường hợp người chủ để vật nuôi gây thương tích hoặc thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân có thể bị phạt từ 1 – 2 triệu đồng.

Chó thả rông ngoài đường gây mất an toàn giao thông tại thôn 4, xã Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang).​

Luật sư Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Luật TNHH Vũ Kiên, tổ 13, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết thêm, nếu vật nuôi gây tổn hại cho sức khỏe người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 31 – 60% thì người chủ vật nuôi có thể bị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 138, Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất lên tới 3 năm tù. Trường hợp vật nuôi làm chết người có thể áp dụng điều 128, Bộ luật Hình sự với mức phạt cao nhất là 10 năm tù. Tuy nhiên, việc xử phạt cũng như bồi thường thực tế còn gặp nhiều khó khăn do chủ sở hữu né tránh, không nhận trách nhiệm. Để hạn chế tình trạng thả rông vật nuôi gây mất an toàn giao thông, cần có những chế tài xử phạt chặt chẽ và mang tính răn đe cao hơn nữa.

Nhằm tránh những rủi ro không đáng có do vật nuôi thả rông gây ra, người điều khiển phương tiện cần  đi tốc độ vừa phải và quan sát kỹ để ứng phó với tình huống bất ngờ. Bên cạnh đó, các địa phương cần tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc quản lý động vật cảnh, các loại gia súc, nghiêm cấm tình trạng thả rông vật nuôi. Lực lượng chức năng cũng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm…

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục