Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP, ngày 9-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ giao khoán bảo vệ trên 85 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số. Các hộ gia đình, tổ chức tham gia nhận khoán để bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng; phục hồi rừng phòng hộ được Nhà nước giao đất sử dụng vào mục đích sản xuất lâm nghiệp. Đối tượng ưu tiên khoán bảo vệ rừng là các hộ gia đình, tổ chức và các hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ có đời sống khó khăn. Mức hỗ trợ giao khoán bảo vệ rừng là 400.000 đồng/ha/năm. Bên cạnh đó, những người tham gia khoán bảo vệ rừng được nhận thêm tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ngoài khoản tiền mặt hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, người dân được phép thu hái một số lâm sản phụ, lâm sản ngoài gỗ và lâm sản tỉa thưa trong giới hạn quy định.
Người dân phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình tuần rừng tại xã Thượng Lâm (Lâm Bình).
Huyện Lâm Bình có trên 58.000 ha đất có rừng, chiếm 80% diện tích đất tự nhiên, rừng phòng hộ 43.000 ha, trong đó rừng phòng hộ do Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình quản lý là 39.752,3 ha. Ông Tề Minh Giáp, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình cho biết, thực hiện chính sách giao khoán bảo vệ rừng, Ban Quản lý rừng phòng hộ Lâm Bình đã ký hợp đồng với 110 tổ chức, hộ gia đình tại 8 xã trên địa bàn huyện, trong đó có 29 cộng đồng thôn và 81 hộ gia đình với 11.517,5 ha.
Thực hiện giao khoán, bảo vệ, chăm sóc và khoanh nuôi tái sinh rừng, thời gian qua trên địa bàn huyện đã hạn chế được vấn nạn chặt phá rừng trái phép, góp phần duy trì ổn định diện tích rừng được giao khoán; nâng cao đời sống của hộ gia đình nhận khoán, tạo động lực khuyến khích hộ tích cực tham gia vào công tác bảo vệ rừng, đồng thời tiết kiệm ngân sách đầu tư cho công tác bảo vệ rừng tại cơ sở. Thông qua việc thực hiện hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng, tình trạng người dân làm nương, khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng phòng hộ đã giảm đáng kể. Ngoài ra, từ những khu vực rừng được nhận khoán, người dân đã kết hợp với việc phát triển kinh tế bằng các hình thức chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng một số loại cây dược liệu ngắn ngày dưới tán rừng mà không làm ảnh hưởng đến rừng, đem lại nguồn thu nhập khá cao cho gia đình.
Xã Kiên Đài hiện có trên 4.587,3 ha rừng tự nhiên được giao khoán cho 11 thôn bảo vệ. Ban Phát triển rừng ở các thôn phân công cụ thể các nhóm hộ thay phiên đi tuần tra, quản lý rừng. Từ đó rừng thực sự trở thành tài sản của mỗi người dân nên việc phá rừng hay lấn chiếm rừng không còn xảy ra. Ông Hoàng Văn Hiền, Trưởng thôn Khun Vìn cho biết, thôn nhận khoán hơn 180 ha rừng tự nhiên, chia làm 3 tổ tuần rừng, mỗi tổ từ 20 - 25 hộ thay phiên tuần rừng. Năm 2021 thôn quyết định dành hơn 70 triệu đồng từ nhận giao khoán bảo vệ rừng hàng năm để bê tông hóa hơn 600 m đường giao thông nông thôn, góp phần cùng xã về đích nông thôn mới trong năm nay.
Chính sách giao khoán rừng cho hộ dân bảo vệ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ rừng được nâng cao, rừng được bảo vệ tốt hơn, các vụ cháy rừng, phá rừng giảm nhiều… Nhờ vậy, tỉnh ta duy trì tỷ lệ che phủ rừng trên 65%.
Gửi phản hồi
In bài viết