Đến giữa tháng 9, toàn tỉnh đã trồng được 10.500 ha rừng, đạt trên 100% kế hoạch, trong đó rừng tập trung là 9.903,4 ha, còn lại là rừng phân tán. Kết quả kiểm tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cây non đang phát triển rất tốt, chưa ghi nhận sâu, bệnh hại xâm nhiễm vào diện tích rừng mới trồng.
Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình (Yên Sơn) đưa cây bạch đàn mô vào trồng trên đất đã trồng 2 chu kỳ keo để hạn chế sâu, bệnh hại.
Hơn 10 ngày nay gia đình ông Lý Văn Bính, thôn Nghẹt, xã Phú Thịnh (Yên Sơn) huy động tối đa nhân lực để phát dây leo, xới xáo cỏ dại trên diện tích rừng keo mới trồng, tạo điều kiện tốt nhất cho cây non sinh trưởng phát triển. Ông Bính cho biết, một số diện tích rừng non của người dân trong thôn, sâu hại xâm nhiễm, gây thiệt hại. Để bảo vệ diện tích rừng mới trồng của gia đình, ngoài làm cỏ, ông Bính thường xuyên thăm rừng phát hiện sớm, xử lý sâu, bệnh hại khi mới chớm. Theo ông Bính, chủ động các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh rừng mới trồng của gia đình được bảo toàn.
Kiểm soát dịch bệnh phát sinh, gây hại cho cây rừng, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn đã có cả kế hoạch “dài hơi” để phòng, trừ. Anh Lý Văn Đông, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương (Sơn Dương) cho biết, công ty đã chuyển 200 ha đất trồng 2 chu kỳ keo sang trồng giống bạch đàn mô. Trước khi thay cơ cấu giống, công ty cũng yêu cầu các đội sản xuất xử lý kỹ thực bì như rắc vôi, thu dọn thiêu hủy tàn dư, cỏ dại nhằm ngăn chặn mầm bệnh lây lan, xâm nhiễm vào cây non mới trồng. Kết quả kiểm tra của công ty, 400 ha rừng mới trồng hồi tháng 5 - 6 sinh trưởng phát triển rất tốt.
Kết quả điều tra sâu, bệnh hại cây lâm nghiệp đầu tháng 9 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện tại chưa ghi nhận sâu, bệnh hại trên diện tích rừng mới trồng, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Đây là một thành công lớn trong công tác trồng rừng của tỉnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như năm nay với lượng mưa thấp nhất so với trung bình nhiều năm.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, chưa ghi nhận sâu, bệnh hại trên diện tích rừng mới trồng, tuy nhiên trên diện tích rừng từ 1 - 5 tuổi sâu, bệnh có xu hướng phát triển. Kết quả điều tra dịch hại đầu tháng 9 của đơn vị đã phát hiện sâu ăn lá, bệnh thán thư, bệnh chết héo... trên cây keo, tỷ lệ gây hại phổ biến 1 - 2%, nơi cao 3 - 5% số cây, cục bộ 6 - 7% số cây/ha; sâu ăn lá, bệnh đốm lá, khô ngọn trên cây keo, tỷ lệ gây hại phổ biến 1 - 3%, nơi cao 5 - 7% số cây; ong ăn lá hại trên cây mỡ, mật độ phổ biến 3 - 5 con/cành...
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nhấn mạnh, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với nền nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm là điều kiện thuận lợi để sâu, bệnh hại rừng phát sinh, gây hại. Mặt khác, do diện tích rừng trồng phân bố rộng, sinh khối lớn nếu để sâu, bệnh hại xâm nhiễm và lan rộng sẽ khó khăn cho công tác phòng, trừ và tổn thất là rất lớn. Ông Tuyên đề nghị các hộ gia đình, chủ rừng thăm rừng, theo dõi sát diễn biến sâu, bệnh hại, chủ động các biện pháp phòng, trừ, có như vậy mới nâng cao chất lượng, sản lượng rừng trồng.
Gửi phản hồi
In bài viết