Sau 3 năm triển khai thực hiện mô hình trồng dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm, từ 3 ha được trồng thử nghiệm tại huyện Sơn Dương, đến nay diện tích dưa đã phát triển trên hầu khắp các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Tổng diện tích dưa chuột toàn tỉnh khoảng 160 ha. Theo người dân, trồng dưa chuột cho hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác, sản phẩm có đầu ra ổn định.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia trồng dưa chuột liên kết bao tiêu sản phẩm, năm 2019 gia đình anh Đoàn Văn Nghĩa, thôn Gò Hu, xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) trồng 3 sào đất soi bãi. Vụ đông năm 2019 được Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) vận động trồng dưa chuột, trong đó hợp tác xã hỗ trợ giống, kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm dưa chuột cho gia đình theo giá thị trường. Anh Nghĩa chia sẻ: Khi mới triển khai tôi khá lo lắng bởi đã có nhiều mô hình bị chết yểu chỉ duy trì 1 đến 2 vụ là các đơn vị ngừng thu mua nên người dân vẫn e ngại đối với các cây trồng mới đưa vào. Tuy nhiên, Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm, đơn vị đứng ra bao tiêu sản phẩm của mô hình cam kết bằng hợp đồng cụ thể và bao tiêu hết sản phẩm cho bà con với giá thấp nhất không dưới 2.000 đồng/kg, nên bà con cũng yên tâm phần nào. Vụ đầu tiên trồng dưa chuột, năng suất đạt hơn 1,1 tấn/sào với giá thu mua 6.000 đồng/kg, anh Nghĩa thu lãi 5 triệu đồng mỗi sào. Sau vụ đầu có lãi, đến nay anh Nghĩa thầu thêm 20 sào đất soi bãi. Từ trồng dưa gia đình thu lãi khoảng gần 500 triệu đồng mỗi năm.
Người dân xã Tú Thịnh (Sơn Dương) chăm sóc dưa chuột.
Hiện phong trào trồng dưa chuột phát triển trong toàn huyện với gần diện tích 60 ha, nhiều hộ đã chuyển đổi diện tích ruộng 2 vụ lúa sang chuyên canh trồng dưa chuột mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm (Sơn Dương) cho biết, đảm bảo đầu ra ổn định cho người nông dân, hợp tác xã đã xây dựng theo chuỗi liên kết từ nhà nông, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm. Từ khi có hợp đồng liên kết đến nay hợp tác xã thu mua luôn ổn định ở mức thấp nhất là 4.000 đồng/kg. Hợp tác xã cũng cam kết sản phẩm dưa được thu hoạch đến đâu, bao tiêu hết cho bà con đến đấy. Ngay cả ảnh hưởng dịch Covid-19, hợp tác xã vẫn cố gắng thu mua hết cho bà con. Hợp tác xã yêu cầu bà con cam kết là phải sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm, bởi các lô dưa khi đưa vào siêu thị đều được phía đối tác test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đảm bảo ngưỡng an toàn, nếu không sẽ “quay đầu” ngay. Ông Phúc cho biết thêm, để đáp ứng yêu cầu của phía đối tác mỗi ngày cung ứng 20 tấn đưa chuột, hợp tác xã đã xây dựng kế hoạch theo từng năm với khoảng 160 ha dưa trồng rải vụ. Hợp tác xã chỉ thu mua những diện tích dưa chuột của những tổ chức, cá nhân đã ký hợp đồng liên kết để tạo thành chuỗi, không thu mua tràn lan các sản phẩm bên ngoài để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã cam kết hỗ trợ từ giống, phân bón, kỹ thuật và thu mua lại toàn bộ sản phẩm dưa chuột cho người dân. Để có đầu ra ổn định, hợp tác xã đã ký hợp đồng lâu dài với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp kinh doanh hàng nông sản An Hòa, huyện Tam Dương (Vĩnh Phúc), tiêu thụ 15.000 tấn/năm. Do đó, diện tích vùng dưa phải lên tới 200 ha mới đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu.
Theo như ông Hoàng Văn Long, thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tính toán, với 1.500 m2 đất ruộng trồng dưa chuột vụ xuân năm 2021, gia đình thu 7,7 tấn quả, bán cho đơn vị thu mua với giá 6.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu lãi 37 triệu đồng, lãi gấp 4 lần trồng lúa và lãi gấp 2 lần trồng cây ngô và lạc.
Ông Hà Doãn Hộ, Giám đốc Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Yên Nguyên chia sẻ, là địa phương có truyền thống sản xuất vụ đông, trải qua nhiều mô hình trình diễn giống cây trồng mới nhưng đều thất bại. Tuy nhiên, từ khi tìm hiểu và thấy được chiến lược kinh doanh hợp lý và lâu dài theo hướng có lợi cho người nông dân nên hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trong sản xuất và bao tiêu sản phẩm dưa chuột với Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất giống gia cầm Minh Tâm đã được 3 năm, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khẳng định, mô hình liên kết trồng dưa chuột trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả tích cực, giúp địa phương từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Từ việc liên kết sẽ hạn chế được tình trạng phá vỡ quy hoạch, cung vượt cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết