Tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp

- Ngày 17-12-2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 118/2014/NĐ-CP về sắp xếp đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Mục tiêu đề ra là nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng; tạo cơ chế quản lý mới và hình thức tổ chức phù hợp để thúc đẩy ứng dụng nhanh và có hiệu quả các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất lâm nghiệp.

Hiệu quả bước đầu

Theo Báo cáo của UBND tỉnh, 5/5 công ty lâm nghiệp trực thuộc tỉnh đã thực hiện sắp xếp, đổi mới, trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Nguyễn Văn Trỗi thực hiện cổ phần hóa; 4 công ty còn lại chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên, gồm: Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình, Yên Sơn, Chiêm Hóa, Sơn Dương.

Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình được giao quản lý 1.850,2 ha đất lâm nghiệp. Sau khi được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công ty đã xác định được ranh giới đất giữa đơn vị với các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là với các hộ dân, thuận lợi cho việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất đai, tài nguyên rừng. Từ năm 2006 đến nay, công ty đã tổ chức khoán liên doanh trồng rừng sản xuất trên diện tích đất công ty được giao, được thuê với cán bộ, công nhân của công ty và người dân trên địa bàn với 1.253,6 ha. Việc liên doanh, liên kết trồng rừng sản xuất đã gắn được quyền lợi và trách nhiệm của công ty với người lao động đến sản phẩm cuối cùng. Sản lượng rừng trồng ngày càng được nâng cao, rừng đã có chủ thực sự, tình trạng chặt phá, lấn chiếm đất rừng trồng được hạn chế tối đa.

Ông Lâm Thành Trung, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng của công ty nâng cao hiệu quả quản lý rừng bền vững với diện tích đất được giao, được thuê. Trong đó, Tuyên Bình lựa chọn loài cây keo là cây trồng chính, tập trung vào giống keo lai sản xuất bằng phương pháp giâm hom và phương pháp nuôi cấy mô nhằm rút ngắn chu kỳ sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Diện tích rừng liên kết trồng giữa Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn và người dân xã Tiến Bộ đã được cấp chứng chỉ FSC.

Tại Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn sau quá trình sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động đã bước đầu mang lại hiệu quả. Công ty đã giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp đất đai giữa công ty với các hộ dân sống trong khu vực. Ông Hà Mạnh Phong, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty cho biết, trước khi chuyển đổi công ty được giao quản lý 3.700 ha, tuy nhiên trên thực tế chỉ có 2.900 ha được sử dụng, còn lại là người dân sống trong khu vực tranh chấp, lấn chiếm. Đất của công ty giờ đã được cắm mốc ranh giới, diện tích rõ ràng nên việc giao khoán, liên kết với các hộ dân để trồng rừng không còn nhập nhèm, thất thoát. Ngoài ra việc sắp xếp đổi mới mô hình hoạt động giúp công ty chủ động, mạnh dạn trong kế sách sản xuất, kinh doanh đảm bảo hiệu quả cao nhất. Điển hình như việc đưa giống bạch đàn mô cao sản, keo lai mô vào trồng trên những diện tích đất đã từng trồng 2 chu kỳ keo. Điều này đã giảm thiểu được dịch hại đối với rừng trồng.

Sắp xếp đổi mới mô hình cũng đem lại hiệu quả “3 trong 1” cho Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho biết, không chỉ tài nguyên đất, rừng được quản lý hiệu quả hơn, vốn góp của thành viên thứ 2 đã giúp công ty đứng vững trong giai đoạn giá gỗ nguyên liệu đang xuống thấp kỷ lục như hiện nay. Hiện tại mỗi m3 gỗ nguyên liệu giá đã sụt xuống từ 150 - 200 nghìn đồng. Do đó, công ty đã chọn phương án dừng khai thác tiếp tục nuôi rừng chờ giá gỗ lên cao mới thực hiện khai thác.  

Khó khăn cần tháo gỡ

Ông Triệu Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh khẳng định, bên cạnh kết quả đạt được, việc sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn vẫn đang gặp phải những khó khăn cần tháo gỡ. Trước tiên, đó là các công ty lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới chưa có nhiều hoạt động sản xuất và kinh doanh để đem lại lợi nhuận và doanh thu từ ngành lâm nghiệp. Hầu hết các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu vẫn là chỉ trồng và phát triển rừng.

Bên cạnh đó, việc hoàn thiện hồ sơ thu hồi giao đất, cho thuê đất theo phương án sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt cho các công ty lâm nghiệp chưa thực hiện xong. Ông Dương Minh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa cho biết, hiện tại công ty vẫn chưa thể hoàn hiện hồ sơ thu hồi, giao đất để trình UBND tỉnh phê duyệt. Nguyên nhân là Nhà nước chưa cấp kinh phí hỗ trợ để công ty triển khai thực hiện. Cũng chính vì lý do này mà việc điều chỉnh giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định giá thuê đất và bàn giao đất trả lại cho địa phương quản lý vẫn chưa được thực hiện.

Tình trạng thiếu vốn sản xuất chưa được giải quyết dứt điểm, một phần do nguồn vốn góp của thành viên thứ 2 vẫn ở mức thấp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty lâm nghiệp. Công ty Lâm nghiệp Chiêm Hóa với vốn điều lệ là 30,5 tỷ, trong đó Nhà nước giữ 25 tỷ đồng, chiếm 82% vốn, vốn góp của thành viên thứ 2 chỉ ở mức 5,5 tỷ, chiếm 18% vốn; Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương vốn điều lệ là 33 tỷ đồng, vốn Nhà nước là 24,75 tỷ đồng, chiếm 75% vốn, trong khi vốn góp của thành viên thứ 2 là 8,25 tỷ đồng, chiếm 25% vốn; Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn vốn điều lệ 29 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước là 23,8 tỷ, chiếm 82,07% vốn; thành viên thứ 2 góp 5,2 tỷ đồng, chiếm 17,93% vốn...


Cán bộ phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương thiết kế rừng chuẩn bị kế hoạch khai thác.

Ông Lâm Thành Trung, Trưởng phòng Kế hoạch - Kỹ thuật, Công ty Lâm nghiệp Tuyên Bình chia sẻ, theo kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2020 - 2021, công ty cần khoảng 15 tỷ đồng, tuy nhiên nguồn vốn góp của thành viên thứ 2 là 7,6 tỷ đồng, như vậy mới chỉ đáp ứng được 1/2 lượng vốn cần để sản xuất.

Giải bài toán thiếu nguồn vốn trong sản xuất của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn, đại diện các công ty lâm nghiệp cho rằng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan cần phải xem xét có hướng dẫn cụ thể về việc tăng vốn điều lệ từ giá trị rừng trồng đối với phần chênh lệch tăng thêm so với giá trị đầu tư ban đầu tại các công ty lâm nghiệp. Đây là cơ sở quan trọng, tạo thuận lợi cho các công ty trong việc giao dịch với các tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư sản xuất.

Cùng với đó là tăng mức góp vốn của thành viên thứ 2, song vẫn đảm bảo vai trò của Nhà nước. Ông Nguyễn Hồng Thái, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Sơn Dương cho rằng, thành viên thứ 2 có đầy đủ các quyền và lợi ích, tuy nhiên nghĩa vụ (thông qua hoạt động góp vốn) vẫn hạn chế. Theo ông Thái Nhà nước có thể điều chỉnh tỷ lệ góp vốn song vẫn đảm bảo Nhà nước giữ vai trò chủ đạo như Nhà nước giữ 60% vốn, thành viên thứ 2 góp 40% vốn và cũng có thể Nhà nước 55%, thành viên thứ 2 góp 45%... Làm được điều này sẽ giảm bớt khó khăn về nguồn vốn cho các công ty lâm nghiệp, đồng thời khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn vốn của thành viên thứ 2. 

Về vấn đề đất đai, ngày 9-9 vừa qua Sở Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản số 1398/STNMT-CCĐĐ về việc rà soát, lập phương án sử dụng đất các công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh để gửi đến các công ty nông, lâm nghiệp. Ông Trần Hoàng Trung, Phó trưởng phòng Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo hướng dẫn của sở, các công ty lâm nghiệp khẩn trương kiểm tra, rà soát báo cáo hiện trạng quản lý, sử dụng đất gửi về sở để đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương điều chỉnh lại phương án sử dụng đất đảm bảo phù hợp với việc sản xuất, kinh doanh của đơn vị trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp huyện được duyệt và quy định của pháp luật.

Trước những khó khăn trên, tỉnh đang xúc tiến làm việc với các bộ, ngành Trung ương liên quan để sớm có giải pháp cụ thể. Trước mắt, các công ty lâm nghiệp cần chủ động, linh hoạt phương án, khắc phục khó khăn, tập trung phát triển sản xuất. Có như vậy mới đạt mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất, ổn định việc làm v­à thu nhập cho người lao động.     

  Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục