Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra diện tích rừng bị sâu gây hại.
Ông Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh khẳng định, tại các lô rừng bồ đề của đội sản xuất 774 trên địa bàn xã Kim Quan và đội sản xuất 881 trên địa bàn xã Đạo Viên thuộc Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn đã bị sâu xanh gây hại. Sau khi công ty sử dụng thuốc đặc trị Alphacua để diệt trừ, tỷ lệ cây phục hồi đạt tương đối cao, khoảng 70-80%. Tại một số khoảnh bị sâu gây hại nặng (sâu ăn đi, ăn lại) cây mất hết lá không thể quang hợp. Đặc biệt sâu ăn mất ngọn cây, cây mất đỉnh sinh trưởng sẽ phân cành, nhánh không thể sinh khối, thậm chí tại những vết sâu cắn trên ngọn cây nếu gặp mưa vi khuẩn xâm nhiễm gây thối thân dẫn đến chết héo dần.
Ông Tuyên nhấn mạnh, đối tượng sâu xanh không phải là đối tượng sinh vật ngoại lai, chúng đã từng xuất hiện trên một số diện tích rừng những năm về trước, song mật độ thấp, mức độ gây hại không nhiều. Tuy nhiên, năm nay do tác động của biến đổi khí hậu, số ngày mưa, lượng mưa thấp hơn rất nhiều so trung bình năm, đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để sâu hại phát sinh sớm, gây hại nặng trên cây rừng. Ngoài tác động của thời tiết, chim, ong rừng bị đánh bắt cạn kiệt, sâu không còn thiên địch diệt trừ khiến mật độ dày hơn, sức phá hại của sâu rất lớn.
Cán bộ kiểm lâm lấy mẫu cây bị sâu xanh gây hại.
Dự tính lứa sâu mới nhiều khả năng suất hiện vào khoảng giữa tháng 10 tới. Nguy cơ gây hại cho diện tích rừng bồ đề rất cao, đặc biệt là đối với diện tích rừng đã bị gây hại nếu để sâu phát sinh nguy cơ mất trắng là khó tránh khỏi. Để kiểm soát sâu xanh gây hại, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị Công ty Lâm nghiệp Yên Sơn chỉ đạo các đội sản xuất cử cán bộ thường xuyên thăm rừng, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh hại.
Theo ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, quá trình hóa vũ của sâu xanh tập trung chủ yếu dưới thảm thực vật rất dễ phát hiện. Khi thấy bướm trắng xuất hiện chính là giai đoạn đẻ trứng, nở sâu non, đây là thời điểm lý tưởng để phun thuốc diệt trừ. Do đó người làm rừng cần thường xuyên thăm rừng để phát hiện, phun thuốc kịp thời tránh trường hợp sâu phát triển, lan rộng khó phòng trừ. Biện pháp này chỉ thực hiện đối với những diện tích rừng đã có cây.
Những diện tích rừng bồ đề đã phục hồi sau khi được phun thuốc diệt trừ sâu xanh.
Ông Thanh cho rằng, để kiểm soát, diệt trừ sâu xanh hiệu quả, ngay khi trồng rừng các đội sản xuất, hộ gia đình cần xử lý thực bì kỹ, sử dụng vôi bột rắc lên toàn bộ diện tích rừng từng xuất hiện sâu, bệnh. Tác dụng của vôi bột sẽ khử sạch mầm bệnh, diệt trừ các loại vi sinh vật có hại tồn dư; thực hiện luân chuyển, thay đổi giống trên diện tích đất trồng rừng, sau khi khai thác chu kỳ cây bồ đề có thể chuyển sang trồng keo hoặc bạch đàn để cắt nguồn thức ăn của đối tượng sâu hại. Một biện pháp hữu hiệu không kém là bảo vệ thiên địch có lợi như chim, ong, kiến... để diệt trừ sâu xanh và một số đối tượng sâu, bệnh gây hại khác trên rừng. Đây là những giải pháp tối ưu để xử lý sâu, bệnh hại trên cây rừng đang được nhiều nước thực hiện và đem lại hiệu quả cao.
Gửi phản hồi
In bài viết