Sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn
Khắp các xứ đồng từ xã Trung Yên, Tú Thịnh, Vĩnh Lợi (Sơn Dương); Kiến Thiết (Yên Sơn); Hòa Phú, Yên Nguyên (Chiêm Hóa)... những luống dưa chuột xanh ngắt một màu nối tiếp nhau trải dài trên các trà ruộng. Đây là vùng nguyên liệu mà Hợp tác xã Minh Tâm (Sơn Dương) liên kết với người dân thực hiện.
Giám đốc HTX Minh Tâm Trần Văn Phúc khẳng định, HTX đã liên kết và hình hành được vùng sản xuất dưa chuột sạch với quy mô trên 60 ha, sản phẩm đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất để cung ứng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trong toàn quốc và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Để minh chứng cho lời nói, ông Phúc không ngần ngại hái ngay trái dưa trên giàn vẫn còn vương phấn bụi rồi ăn ngon lành. Theo Giám đốc HTX Minh Tâm, để tạo ra sản phẩm sạch, HTX phải lựa chọn kỹ lưỡng từ khâu giống cho phù hợp với từng thời vụ. Riêng đối với quy trình sản xuất thì ngặt nghèo hơn nhiều, ngoài lựa chọn đồng đất chưa bị ô nhiễm bởi hóa chất, thì trong quá trình chăm sóc dưa chỉ sử dụng phân hữu cơ, vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật cũng phải sử dụng thuốc có chế phẩm sinh học. Sản xuất sạch đã tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, ngay tại thời điểm này, khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhất, sản lượng dưa thu hái từ 10-15 tấn/ngày cao nhất từ trước đến nay vẫn được tiêu thụ hết.
Người dân thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) thu hoạch dưa chuột để cung ứng vào hệ thống siêu thị,
cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, dân tộc Dao, thôn Ao Búc, xã Trung Yên (Sơn Dương) một trong những hộ liên kết với HTX Minh Tâm trồng dưa chuột theo tiêu chuẩn an toàn phấn khởi vì trồng dưa theo tiêu chuẩn an toàn người nông dân không phải cách ly với đồng ruộng của mình, bởi ngay thuốc để trừ con sâu, cái bệnh cho cây cũng cũng là chế phẩm sinh học nên yên tâm lắm. Sản xuất sạch nên người nông dân như chị vẫn hái dưa ăn ngon lành ngay tại ruộng không lo ảnh hưởng đến sức khỏe.
Vùng chăn nuôi cá sạch cũng đã được hình thành trên vùng lòng hồ Tuyên Quang và dọc theo 2 bên bờ sông Lô, sông Gâm với quy mô gần 2.000 lồng. Anh Phạm Văn Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Đức Nguyên-một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia khai thác nguồn nước tại lòng hồ thủy điện phát triển chăn nuôi cá đặc sản theo tiêu chuẩn sạch cho rằng, ngoài quy trình chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt thì diện tích lớn, nguồn nước sạch là yếu tố tiên quyết để nuôi trồng thủy sản an toàn, đặc biệt đối với thủy sản đặc sản được coi là khó tính nhất như: Bỗng, lăng chấm, chiên, cá quả… Anh Toàn minh chứng, gần 10 năm nuôi trồng thủy sản trên vùng lòng hồ với quy mô 30 lồng, trong đó có 10 lồng cá đặc sản song chưa năm nào gặp bất lợi, cá sinh trưởng, phát triển tốt. Mỗi con cá chiên, cá lăng, lăng chấm sau 3 năm chăn nuôi đạt trọng lượng từ 2,5-3kg, với giá từ 120-400 nghìn/kg tùy vào trọng lượng, loại cá cũng đem lại tiền triệu.
Chiến lược cho một nền nông nghiệp bền vững
Phát triển nông nghiệp sạch, an toàn là hướng đi tất yếu để đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững, tỉnh đã có những quyết sách và bước đi bài bản. Trong Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được tỉnh ban hành ngày 8-6. Theo đó, tỉnh mở rộng sản xuất theo các tiêu chuẩn (PGS, VietGAP, SAN) trên 4.820 ha, tăng gấp 2,9 lần năm 2020; có 35 trang trại được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh, tăng 14 trang trại so với năm 2020; xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh huyện Hàm Yên; có 14 cơ sở chăn nuôi theo VietGAP, GlobalGAP, tăng 10 cơ sở so với năm 2020; có 20 doanh nghiệp, hợp tác xã nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP), gấp 2 lần so với năm 2020, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa có chất lượng cao của thị trường trong nước, thế giới.
Người dân thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại khu vực bờ sông Lô.
Đảm bảo cho một nền nông nghiệp bền vững, ngày 27-7-2021, UBND tỉnh tiếp tục có Quyết định số 1017/QĐ-UBND phê duyệt Dự án “Điều tra thực trạng sản xuất trồng trọt hữu cơ và nghiên cứu, đề xuất xác định các vùng canh tác hữu cơ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Mục tiêu đặt ra, đến năm 2025, dự kiến xác định 56 vùng, diện tích là 1.200 ha. Đến năm 2030, dự kiến xác định số vùng là 65 vùng, diện tích là 2.000 ha.
Trước đó, nhiều cơ chế, chính sách phát triển sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn cũng được thực hiện, điều này đã khai thác tối đa tiềm năng về điều kiện tự nhiên, xã hội hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp sạch đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất về an toàn vệ sinh thực phẩm. Điển hình như vùng cam VietGAP, hữu cơ với quy mô trên 700 ha; vùng chè với quy mô trên 1.000 ha; vùng nuôi trồng thủy sản quy mô gần 2.000 lồng; vùng chăn nuôi trâu với quy mô gần 100.000 con...
Từ một tỉnh chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nhiều sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang vươn tầm trong khu vực và toàn quốc. Năm 2017, cá sạch nuôi trên vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách “địa chỉ xanh, nông nghiệp sạch”. Cam sành Hàm Yên 2 lần được bình chọn Top 10 loại trái cây nổi tiếng bậc nhất Việt Nam; bưởi Phúc Ninh cũng nằm trong Top 10 nhãn hiệu, thương hiệu nổi tiếng do Hội Người tiêu dùng Việt Nam bình chọn…
Ông Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Liên hiệp Hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, sản phẩm nông nghiệp Tuyên Quang đã khẳng định được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế. Đất đai, môi trường sản xuất nông nghiệp của Tuyên Quang vẫn chưa bị ô nhiễm nặng do quá trình sản xuất. Đây là điều kiện để các địa phương của tỉnh chuyển đổi và thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là hữu cơ; là cơ hội để nâng sức cạnh tranh và “chắp cánh” cho sản phẩm vươn xa, mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân.
Gửi phản hồi
In bài viết