Giám đốc tâm huyết
Anh Nguyễn Thế Tuyên, Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang luôn đau đáu với việc tiêu thụ nông sản xứ Tuyên tại siêu thị. Anh bảo, “mình trăn trở nhiều năm nay việc đưa các nông sản địa phương vào hệ thống siêu thị của công ty, nhất là đối với những sản phẩm đặc sản như chè, rau, cam, bưởi, nhãn và cả các loại thịt gia súc, gia cầm, thủy cầm, cá... cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh. Vì theo khảo sát của mình, các sản phẩm nông sản của tỉnh khá ngon, sản xuất đã và đang theo hướng sạch hơn nên đảm bảo được yếu tố như tươi, ngon, sạch, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”.
Sản phẩm chè xanh Làng Bát của HTX Chè Tân Thái 168 xã Tân Thành (Hàm Yên)
được Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang liên kết tiêu thụ.
Tâm huyết đó được anh Tuyên cụ thể hóa bằng việc trực tiếp đi khảo sát, ký hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho người dân. Nhiều sản phẩm như chè xanh Làng Bát, xã Tân Thành, vịt bầu Minh Hương (Hàm Yên), chè xanh Tân Trào, dưa lưới thủy canh xã Kháng Nhật (Sơn Dương); rau sạch Hưng Thành (TP Tuyên Quang), rượu ngô (Na Hang) đã được siêu thị bao tiêu trong nhiều năm qua, trở thành sự lựa chọn tin cậy của người tiêu dùng. Anh Tuyên phấn khởi bảo, các sản phẩm nông sản của tỉnh bày bán tại chuỗi các siêu thị của công ty đã và đang được người tiêu dùng đón nhận, bán chạy nhất là chè xanh Làng Bát, dưa lưới thủy canh, vịt bầu Minh Hương, bởi các thương hiệu này đã được người tiêu dùng chấp nhận, giờ đây lại được bán ở siêu thị như “chắp cánh” cho nông sản vươn xa hơn. Tới đây, anh tiếp tục phối hợp với các hợp tác xã, tổ hợp tác hướng dẫn người dân trồng rau theo quy trình, ghi chép hồ sơ cẩn thận để mở rộng liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, mang lại lợi ích đôi đường.
Anh cũng chia sẻ, việc đầu tư, liên kết với doanh nghiệp hoặc hỗ trợ HTX làm sản phẩm nông sản sạch theo yêu cầu thị trường đối với đơn vị không khó, cái khó là thị trường tiêu thụ hẹp cộng thêm thói quen tiêu dùng truyền thống nên các sản phẩm nông sản sạch, đặc sản có thương hiệu chưa vào được bữa cơm của đại đa số người dân. Tuy nhiên, không vì khó mà không làm. Tới đây, công ty sẽ tiếp tục khảo sát để đưa các loại thịt trâu, thịt lợn, cá sông rõ nguồn gốc, xuất xứ của tỉnh vào siêu thị; liên kết cung ứng rau sạch Hồng Thái, vịt suối Lâm Bình, cá sạch Na Hang…
Người dân được hưởng lợi
Vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp luôn được các ngành chức năng chú trọng, nhất là đối với những sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn sạch VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong đợi, sản phẩm nông nghiệp sạch vẫn còn loay hoay tìm đầu ra... Nên việc Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang tích cực liên kết, tiêu thụ nông sản cho người nông dân tạo ra lợi ích kép, vừa thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa đem đến cho người tiêu dùng trong tỉnh những sản phẩm nông sản chất lượng.
Rau sạch của gia đình xã viên Lê Đình Thanh, Hợp tác xã Rau, củ, quả Hưng Thành liên kết tiêu thụ tại Siêu thị Tuyên Quang.
“Vựa” rau sạch của Hợp tác xã Rau, củ, quả Hưng Thành (TP Tuyên Quang) những ngày này vẫn sản xuất đều đặn. Ông Lê Đình Thanh, thành viên hợp tác xã cho rằng, việc hợp tác xã ký kết tiêu thụ rau sạch của người dân với Siêu thị Tuyên Quang ai cũng hết sức phấn khởi. Về mặt giá cả, do được ký hợp đồng ngay từ đầu nên nông dân không quan tâm đến thị trường lên xuống “phập phù” mà chỉ chuyên tâm nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện ông Thanh trồng 1,5 mẫu rau các loại, mỗi ngày thu trung bình từ 700-800 nghìn đồng. Theo ông Thanh, do hợp tác xã ký hợp đồng quy mô còn nhỏ nên xã viên vẫn còn phải bán cho thương lái với giá thị trường, đây là điều thiệt thòi vì là sản phẩm sạch mà phải bán bằng giá với các sản phẩm thông thường thì thật là không công bằng, không tạo được động lực cho những người sản xuất chân chính.
Ông Đỗ Văn An, Giám đốc Hợp tác xã Rau, củ, quả Hưng Thành cho biết: Việc ký kết hợp đồng giữa hợp tác xã, nông dân và doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm mang lại rất nhiều lợi ích. Nông dân biết trước được giá của sản phẩm mình sản xuất ra, lợi nhuận ra sao, còn doanh nghiệp tiêu thụ biết được sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đạt chuẩn. Thời gian qua, hợp tác xã ký hợp đồng đưa sản phẩm rau sạch vào Siêu thị Tuyên Quang, các trường học và một số nhà hàng trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Khi có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, nông dân đã biết giá rau canh tác trong vụ có lãi, không còn lo chuyện “được mùa mất giá”. Vì thế 120 hộ xã viên hợp tác xã trồng gần 11 ha rau thương phẩm được duy trì đều.
HTX Chè Tân Thái 168, tại thôn 2 Tân Yên, xã Tân Thành (Hàm Yên) là một trong 4 đơn vị được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu tập thể và dán tem truy xuất nguồn gốc. Đây là tấm “thẻ bài” để vào Siêu thị Tuyên Quang. Ông Bàn Văn Dương, Giám đốc Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 phấn khởi nói, sản phẩm của hợp tác xã bắt đầu cung cấp cho Siêu thị Tuyên Quang từ đầu năm 2021, tuy sản lượng chưa nhiều nhưng là bước tiến mới bởi sản phẩm sẽ được người tiêu dùng lựa chọn. Đây là động lực để hợp tác xã tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm chè xanh sạch để không những làm giàu cho xã viên mà còn giới thiệu được sản phẩm chất lượng, đặc sản vùng miền đến với người dân trong và ngoài tỉnh.
Sở hữu gần 1 ha chè, anh Phùng Thanh Độ, xã viên Hợp tác xã Chè Tân Thái 168 chia sẻ: “Liên kết với hợp tác xã, chúng tôi được tham gia các lớp tập huấn về sản xuất chè an toàn, được hỗ trợ mua các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo hình thức “trả chậm bằng sản phẩm” mà không lấy lãi”. Nhờ sản xuất an toàn, cây chè cho thu hoạch 10 - 12 lứa/năm, với giá bán ổn định 120 - 150 nghìn đồng/kg được hợp tác xã bao tiêu, anh Độ thu về trên 150 triệu đồng/năm. Vào thời điểm thu hái, nhà anh thuê thêm 5 - 7 nhân công, với mức thu nhập 150 - 200 nghìn đồng/ngày.
Sự nỗ lực của Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang thể hiện rõ hiệu quả của liên kết “4 nhà”, mang lại giá trị kinh tế cao và hướng tới sản xuất sạch hơn, bền vững hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết