Công ty TNHH MSA YB, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 lao động.
Giai đoạn hậu Covid-19, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh phải đối mặt nhiều thách thức: đơn hàng sụt giảm, chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận giảm. Trong bối cảnh đó, ngành Ngân hàng đã và đang tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, phục hồi và phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh, xã hội.
Đồng chí Trịnh Ngọc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tuyên Quang cho biết, để hoạt động tín dụng hỗ trợ tốt cho các doanh nghiệp, ngành Ngân hàng tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như: triển khai thực hiện chương trình tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, thực hiện hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ, hạ lãi suất trực tiếp, cho vay mới với lãi suất ưu đãi theo Thông tư 01, 14 của Ngân hàng Nhà nước góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khôi phục, duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tính đến nay, dư nợ cho vay các thành phần kinh tế đạt 26.846 tỷ đồng, trong đó, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp là 8.012 tỷ đồng với 644 khách hàng doanh nghiệp vay vốn. Trong 5 tháng đầu năm 2023, doanh số cho vay của các ngân hàng trong tỉnh đối với khách hàng doanh nghiệp là trên 3.865 tỷ đồng.
Không chỉ tiếp tục gia hạn các khoản vay cũ của khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, các ngân hàng chủ động triển khai nhiều chương trình ưu đãi mới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn, như: sản phẩm dành cho doanh nghiệp Start up, doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp siêu vi mô, doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tiềm năng, thân thiết,… doanh nghiệp kinh doanh trong một số lĩnh vực như: xăng dầu, phân phối hàng tiêu dùng, ngành dược, xuất nhập khẩu…
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng SHB Tuyên Quang.
Ngân hàng Agribank Tuyên Quang triển khai gói vay 500 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với khung lãi suất 7,5%/năm; Ngân hàng BIDV Tuyên Quang đã triển khai gói 70.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh, với lãi suất chỉ từ 7%/năm, trong đó, dành 20.000 tỷ đồng cho vay sản xuất kinh doanh thuộc lĩnh vực xanh, với ưu đãi lãi suất chỉ từ 7%/năm và dành 50.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phục vụ sản xuất kinh doanh lĩnh vực khác với ưu đãi lãi suất giao động 7% - 8%/năm; Ngân hàng VietinBank triển khai gói vay 100.000 tỷ đồng với lãi suất chỉ từ 7,1%/năm nhằm hỗ trợ nhu cầu sản xuất kinh doanh cho khách hàng cá nhân; Ngân hàng Vietcombank triển khai gói 100.000 tỷ đồng lãi suất từ 7,5% - 8,8%/năm cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh vay bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh…
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết, với chủ trương “Đồng hành cùng doanh nghiệp để phát triển”, BIDV Tuyên Quang tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, của ngành và của tỉnh; BIDV triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thông qua các gói vay ưu đãi, các giải pháp tài chính ưu việt thấp hơn từ 2% so với lãi suất cho vay thông thường; triển khai gói cho vay sản xuất kinh doanh 50.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh; gói tín dụng ngắn hạn dành cho đối tượng khách hàng doanh nghiệp với quy mô 120.000 tỷ đồng; gói tín dụng dành cho doanh nghiệp FDI với quy mô dư nợ tối đa 11.000 tỷ đồng và 700 triệu USD; gói 3.000 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp ngành dược phẩm. Đến 20-5, dư nợ tín dụng khách hàng doanh nghiệp của BIDV đạt 2.850 tỷ đồng với 155 khách hàng.
Được hỗ trợ nguồn vốn vay từ ngân hàng để phục hồi hoạt động kinh doanh, Công ty TNHH Thời trang và Thương mại T&D mở rộng đầu tư kinh doanh vải, may đo thời trang… Chị Nguyễn Thị Thùy, Giám đốc công ty chia sẻ, làm kinh doanh trong lĩnh vực thời trang cần rất nhiều vốn, đặc biệt, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công ty gặp khó khăn trong quá trình nhập nguyên liệu đầu vào, giá nguyên vật liệu tăng cao. Nhờ được Ngân hàng BIDV hỗ trợ tăng hạn mức cho vay lên 2 tỷ đồng với lãi suất điều chỉnh từ 5,2-7%/năm trong từng giai đoạn mà công ty duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trong thời gian tới, ngành Ngân hàng tỉnh đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định số 31, cơ cấu lại nợ thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước, Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33 của Chính phủ; đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay, cải tiến, đa dạng hóa, tối ưu các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đảm bảo an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận, phù hợp với đối tượng doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết