Người Afghanistan tìm đường sang Pakistan qua cửa khẩu Hữu nghị ở thị trấn Chaman trên biên giới Pakistan-Afghanistan,
ngày 6/9/2021. (Ảnh: Reuters)
Khi lực lượng Taliban trở lại nắm quyền từ tháng 8 vừa qua, nền kinh tế Afghanistan ngay lập tức rơi vào khó khăn, do bị cắt “nguồn sữa” viện trợ quốc tế. Tỷ lệ thất nghiệp và giá lương thực tăng mạnh cùng tình trạng hạn hán, mất mùa nghiêm trọng đã đẩy hàng chục triệu người dân Afghanistan lâm vào cảnh “bữa no, bữa đói”. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo, đến giữa năm 2022, hơn 90% dân số Afghanistan có nguy cơ lâm vào tình trạng đói nghèo.
Còn Chương trình Lương thực Liên hợp quốc ước tính, có tới 22,8 triệu người dân quốc gia Tây Nam Á sẽ bị nạn đói “gõ cửa” trong mùa đông vốn rất khắc nghiệt ở khu vực này. Trong khi thế giới đang “sôi nổi” tiêm vắc-xin ngừa Covid-19, thậm chí có nhiều quốc gia bắt đầu tiêm mũi tăng cường, thì ở Afghanistan chỉ chưa đầy 7% trong tổng số 39 triệu người dân được tiêm chủng dẫn đến nguy cơ xảy ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Trong bối cảnh đó, các tổ chức nhân đạo quốc tế đang tìm cách hỗ trợ người dân Afghanistan vượt qua khó khăn. Liên hợp quốc kêu gọi các nguồn lực tài chính dành cho người dân quốc gia Tây Nam Á, trong đó có việc xúc tiến chương trình hỗ trợ tiền mặt trị giá 300 triệu USD/năm cho các gia đình có trẻ em, người già hoặc người khuyết tật. UNDP kêu gọi hỗ trợ 100 triệu USD để tạo việc làm và 90 triệu USD giúp các doanh nghiệp nhỏ tại Afghanistan khôi phục kinh doanh. Tháng 10 vừa qua, UNDP cũng đã thành lập một quỹ tín thác, trong đó có khoảng 50 triệu euro (58 triệu USD) do Đức cam kết đóng góp, nhằm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân Afghanistan.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đang lên kế hoạch giải ngân 500 triệu USD từ Quỹ Ủy thác tái thiết Afghanistan (ARTF) cho các cơ quan nhân đạo hoạt động tại quốc gia Tây Nam Á. Quỹ ARTF hiện khá “rủng rỉnh” với 1,5 tỷ USD, là “bầu sữa” lớn nhất cho ngân sách dân sự của Afghanistan, trong đó viện trợ từ nước ngoài chiếm hơn 70%. WB từng “đóng băng” quỹ này từ khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan.
Ngoài ra, Mỹ, nước đóng góp nhiều nhất cho ARTF, cũng ngừng viện trợ cho Afghanistan, đồng thời đình chỉ giải ngân khoản hỗ trợ riêng trị giá 9 tỷ USD. Tuy vậy, việc giải ngân quỹ ARTF cần được tất cả các bên đóng góp đồng thuận. Washington xác nhận đang làm việc với WB và các nhà tài trợ khác về cách thức giải ngân, trong đó ưu tiên hỗ trợ các lĩnh vực y tế, dinh dưỡng, giáo dục và thực phẩm…, song cảnh báo sẽ không dễ dàng “moi tiền” khỏi túi của họ.
Cùng với những “chiếc bánh ngọt và bầu sữa thơm”, phương Tây và các tổ chức quốc tế tiếp tục đưa ra các điều kiện trao đổi với Taliban. UNDP cam kết tiếp tục hỗ trợ khoản tiền 250 triệu USD/năm để chống dịch Covid-19 và sẽ thuyết phục các nước nới lỏng lệnh trừng phạt Afghanistan nếu Taliban dỡ bỏ các hạn chế việc làm đối với phụ nữ. UNDP ước tính, việc hạn chế lao động nữ khiến nền kinh tế quốc gia Tây Nam Á thiệt hại từ 600 triệu đến 1 tỷ USD, tương đương 3-5% GDP.
Trong khi đó, Taliban cũng tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán con thoi để thể hiện thiện chí cũng như nâng tầm hình ảnh trong mắt các nước. Bởi, hiện chính quyền lâm thời của Taliban tại Afghanistan vẫn chưa được quốc gia nào công nhận chính thức. Ngoài ra, hàng chục tỷ USD của quốc gia Tây Nam Á đang bị đóng băng ở các ngân hàng nước ngoài, khiến công cuộc tái thiết đất nước gặp khó khăn và thiếu thốn nguồn lực.
Taliban và Mỹ vừa có cuộc đàm phán thứ 2 tại Qatar. Tại đây, Washington hối thúc Taliban bảo vệ các quyền của tất cả người dân Afghanistan, duy trì và thực thi chính sách về ân xá, lộ trình thành lập một chính phủ bao trùm, đại diện cho tất cả thành phần trong xã hội. Taliban cũng có hai cuộc đối thoại riêng với Liên minh châu Âu (EU) và phái bộ Anh về Afghanistan. Trong đó, các bên tập trung thảo luận các vấn đề như tình hình nhân đạo, y tế và an ninh.
Phía Anh và EU đặc biệt lưu ý Taliban về việc khôi phục quyền lợi chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái, trong đó có quyền được đến trường học. Phái đoàn Taliban cũng tiến hành thảo luận với Bộ Ngoại giao Qatar về các biện pháp chống khủng bố, viện trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan trong mùa đông này. Qatar cam kết tiếp tục hợp tác với tất cả các bên ở Afghanistan và các đối tác quốc tế nhằm tăng cường sự ổn định ở quốc gia Tây Nam Á.
Giải quyết các vấn đề hóc búa ở Afghanistan cần một chặng đường dài và cũng không ít cam go. Điều phải làm trước mắt là viện trợ nhân đạo, hỗ trợ người dân Afghanistan tránh khỏi nguy cơ “đứt bữa” trong mùa đông lạnh giá sắp tới.
Gửi phản hồi
In bài viết