Giảm nghèo là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, thời gian qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các gia đình chính sách trên địa bàn. Với ưu điểm là nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, thời gian vay kéo dài nên đây là cơ hội giúp người nghèo, gia đình chính sách tiếp cận với vốn vay nhanh chóng, thuận tiện để phát triển kinh tế.
Bằng nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Lâm Bình có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Năm 2018, gia đình anh Lý Văn Huyên, thôn Ngòi Khang, xã Minh Dân (Hàm Yên) được Hội Nông dân xã bình xét, tín chấp cho vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hàm Yên với số tiền 80 triệu đồng từ vốn vay hộ nghèo để nuôi trâu sinh sản. Đến cuối năm 2020 trâu đẻ 2 nghé con, vừa rồi gia đình bán 2 con trâu giống thu hơn 30 triệu đồng, từ đó gia đình có tiền xây dựng nhà mới, có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.
Chị Chúc Thị Nải, ở thôn Đon Bả, xã Lăng Can (Lâm Bình) có gần 2 ha đất vườn đồi do không có vốn đầu tư nên trước đây bỏ hoang. Năm 2018 gia đình chị được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng để cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả và nuôi gà thả vườn. Đến nay với gần 2ha đất gia đình chị trồng các loại cây như bưởi da xanh, chanh tứ mùa, mít Thái, ổi... đã bắt đầu cho ra quả. Ngoài đầu tư vào trồng cây ăn quả kết hợp nuôi gà thả vườn, nuôi cá, nuôi vịt... mỗi năm trừ chi phí cho thu lãi gần 100 triệu đồng.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Vũ Thế Anh cho biết, để nâng cao hiệu quả hơn nữa nguồn vốn tín dụng ưu đãi, Chi nhánh thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác để tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ hội, đoàn thể ở cơ sở, trưởng thôn theo hình thức “cầm tay chỉ việc” về quy trình thẩm định thực tế, kiểm tra hồ sơ vay vốn của khách hàng, hướng dẫn người dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. Sau khi đã giải ngân, các tổ chức chính trị - xã hội phải kiểm tra thực tế việc sử dụng vốn của hộ được vay. Nếu trường hợp nào sử dụng chưa đúng mục đích thì tiếp tục hướng dẫn để hộ sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Từ đó, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, có điều kiện trả vốn và lãi cho ngân hàng đúng quy định. Đến 23-3, tổng dư nợ toàn Chi nhánh đạt 3.290 tỷ đồng, 74.845 hộ còn dư nợ. Số tiền cho vay trong 3 tháng đầu năm đạt 237 tỷ đồng với 5.069 lượt hộ vay tập trung ở các huyện Sơn Dương, Hàm Yên, Chiêm Hóa...
Việc triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã tiếp thêm động lực để người nghèo và các đối tượng chính sách mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Thời gian tới, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tiếp tục hướng dẫn sử dụng vốn tín dụng chính sách chặt chẽ và hiệu quả, bảo đảm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết