Agribank Tuyên Quang thực hiện mục tiêu năm 2021 và những năm tiếp theo tăng trưởng dư nợ cho vay qua tổ nhóm đạt trên 50%/tổng dư nợ; 100% các khoản vay đến 200 triệu đồng phải thông qua tổ vay vốn. Do đó, Agribank Tuyên Quang chỉ đạo các Chi nhánh huyện, thành phố tập huấn quy trình thành lập tổ vay vốn ở các thôn, bản.
Chiêm Hóa là huyện đầu tiên triển khai tập huấn với 5 lớp và trên 300 thành viên tham gia. Quy trình thành lập các tổ vay vốn được cán bộ Agribank Chiêm Hóa triển khai từng bước cụ thể, tập huấn nghiệp vụ cho các tổ trưởng tổ vay vốn; phối hợp tuyên truyền chính sách tín dụng, khảo sát, tiếp nhận nhu cầu vay vốn các hội viên. Từ đó, thông qua các tổ, nhóm vay vốn, Agribank phối hợp với các tổ chức hội hướng dẫn thủ tục vay vốn, thẩm định và giải ngân vốn cho các hội viên có nhu cầu.
Tập huấn nghiệp vụ cho các tổ viên tổ vay vốn trên địa bàn huyện Chiêm Hóa.
Anh Tạ Văn Thăng, thôn Phúc An, xã Tân Thịnh (Chiêm Hóa) tổ trưởng tổ vay vốn Linh An cho biết, tổ có hơn 30 thành viên và dư nợ hiện nay hơn 1 tỷ đồng. Các tổ viên sử dụng vốn để chăn nuôi lợn, đại gia súc và trồng rừng. Nhiều năm làm tổ trưởng anh khá thành thạo các quy trình để hướng dẫn bà con khi có nhu cầu về nguồn vốn. Song song với hoạt động thành lập các tổ vay vốn, các tổ viên được tham gia các lớp tập huấn, sinh hoạt nhóm để hỗ trợ kiến thức, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau áp dụng khoa học kỹ thuật vào các hoạt động sản xuất nhằm tăng hiệu quả đầu tư vốn vay, nâng cao thu nhập gia đình.
Agribank Tuyên Quang phối hợp với Tỉnh đoàn, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh tiếp tục khảo sát nhu cầu vốn của hội viên, cung cấp danh sách cho cán bộ tín dụng những hội viên có nhu cầu vay vốn đến 200 triệu đồng vào tổ để hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ, thẩm định, giải ngân kịp thời. Agribank cam kết đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của hội viên theo thỏa thuận hợp tác. Tổ trưởng tổ vay vốn được lựa chọn thường là người có uy tín, gần gũi với các thành viên tổ vì vậy có thể theo sát đôn đốc, nắm bắt nhu cầu của các thành viên, hỗ trợ các cán bộ tín dụng trong việc mở rộng tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng.
Agribank không ngừng đa dạng hóa các kênh dẫn vốn đáp ứng tối đa nhu cầu khách hàng, trong đó nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ vay vốn mang lại lợi ích thiết thực cho người nông dân. Thời gian tới, Agribank các huyện, thành phố tiếp tục mở các lớp tập huấn cho các tổ vay vốn, bảo đảm phát huy vai trò ngân hàng hàng đầu trong thực hiện chính sách “tam nông” của Đảng và Chính phủ. Cùng với đó, Agribank triển khai dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là miễn phí phát hành thẻ ATM với hạn mức vay thấu chi lên đến 30 triệu đồng mà không cần tài sản đảm bảo, góp phần hạn chế nạn tín dụng đen, giúp người dân ở khu vực này tiếp cận nhanh chóng nguồn vốn vay và các dịch vụ tiện ích của ngân hàng điện tử, nâng cao chất lượng đời sống.
Gửi phản hồi
In bài viết