Được sự ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho nguyên Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo; trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì cho Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long.
Theo báo cáo tại Hội nghị, doanh thu lĩnh vực bưu chính cả nước năm 2021 đạt 37 nghìn tỷ đồng. Trong công tác điều hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2021, đã phê duyệt Kế hoạch đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử nhằm tập trung hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp tại địa phương.
Kết quả, đến tháng 11, đã có hơn 4 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đưa lên sàn thương mại điện tử; hơn 49 nghìn sản phẩm nông sản được đưa lên các sàn với hơn 67,5 nghìn giao dịch được thực hiện. Cũng trong năm 2021, 5 doanh nghiệp bưu chính lớn (VNPost, VTP, GHTK, GHN, Netco) đã tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu tại 27 tỉnh thực hiện giãn cách xã hội với 4.162 điểm cung cấp; gần 103 nghìn tấn hàng hóa thiết yếu được cung cấp với tổng giá trị 1.614 tỷ đồng cùng 8.390 tấn hàng hóa khác cũng vận chuyển theo yêu cầu của địa phương.
Trong lĩnh vực viễn thông, tổng doanh thu năm 2021 ước đạt 130.768 tỷ đồng, tăng 2% so năm 2020. Số lượng thuê bao di động năm 2021 ước đạt 123,76 triệu thuê bao, trong đó có 92,88 triệu thuê bao là Smartphone (75%). Tỷ lệ phủ cáp quang đến hộ gia đình cũng đã đạt 65%, tăng 10% so năm trước.
Trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cấp phép thử nghiệm 5G tại 16 tỉnh, thành phố với 300 trạm phát sóng, tốc độ trung bình đạt từ 500-600Mb/giây (gấp 10 lần so tốc độ 4G). Bộ cũng đã chỉ đạo đẩy mạnh việc kiểm tra thông tin thuê bao di động. Đến thời điểm 1/12, trên toàn mạng chỉ còn gần 1,1 triệu SIM nghi ngờ kích hoạt sẵn, giảm tới 90% so thời điểm tháng 6/2021 (15 triệu SIM).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập trung đồng hành cùng các bộ, ngành, địa phương trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh quá trình thực hiện chuyển đổi số.
Ngoài việc phối hợp thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng tổ chức triển khai “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia”, “Hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung” của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam, đồng thời cấp tài khoản cho toàn bộ các bộ, ngành, địa phương để khai thác.
Đến nay, 80% số cơ quan đã ban hành mã định danh điện tử nhập dữ liệu; bảo đảm hệ thống vận hành ổn định, liên tục; kết nối, chia sẻ dữ liệu danh mục điện tử cho các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc.
Trong lĩnh vực công nghiệp ICT, doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng lên 18,7 nghìn tỷ đồng trong tổng doanh thu hơn 136 nghìn tỷ đồng toàn ngành. Trong lĩnh vực an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập 3 Trung tâm phân tích chia sẻ thông tin (ISAC) lĩnh vực an toàn thông tin mạng; điện lực và ngân hàng nhằm mục đích chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm, chuyên gia nhằm dự báo trước, cách thức phòng chống, khắc phục các mối đe dọa và lỗ hổng trên mạng.
Cuối cùng, trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí nhằm tạo điều kiện cho báo chí tiếp tục thể hiện rõ vai trò, sứ mệnh của mình; đồng thời, chủ động quản lý thông tin, từng bước làm trong sạch không gian mạng với mục tiêu “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, duy trì ngưỡng tỷ lệ thông tin an toàn, góp phần bảo đảm giữ vững trật tự, an toàn xã hội và sự ổn định cho cuộc sống của người dân.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, bộ đã tiếp nhận và xử lý 305 đơn thư phản ánh, kiến nghị, tố cáo trong lĩnh vực báo chí; triển khai thanh tra, kiểm tra, phối hợp kiểm tra 5 cơ quan báo chí về việc chấp hành quy định pháp luật về báo chí ; xây dựng bộ công cụ đánh giá tôn chỉ, mục đích của các cơ quan báo chí nhằm phát hiện sai phạm và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, ngành thông tin và truyền thông đã có vai trò rất quan trọng, thậm chí không thể thiếu để chúng ta bước qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 vừa qua. Phó Thủ tướng chúc mừng, cảm ơn những đóng góp to lớn đó của bộ cũng như toàn ngành thông tin và truyền thông.
Trước đây, khi đất nước bắt đầu thời kỳ “Đổi mới”, ngành bưu điện đã được trao sứ mệnh tiên phong, mở đường. Giờ đây, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, một lần nữa ngành công nghệ thông tin và viễn thông lại tiếp tục được trao sứ mệnh này. Nhưng thời gian tới, ngoài tiên phong và mở đường, ngành thông tin và truyền thông cần làm tốt cả vai trò đồng hành, thúc đẩy.
Trong công cuộc chống dịch nói riêng và phát triển kinh tế-xã hội nói chung vừa qua, báo chí và truyền thông đã thực sự đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành địa phương, động viên nhân dân thực hiện tốt các chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước. Nhất là trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19, nhờ làm tốt việc đồng hành nên đã huy động được toàn dân vào cuộc.
Nhưng ngành thông tin và truyền thông vẫn có thể làm tốt hơn nữa. Cụ thể, không chỉ tạo điều kiện như hiện nay, mà qua theo dõi thông tin, kể cả trên không gian mạng, ngành thông tin và truyền thông còn có trách nhiệm cảnh báo, yêu cầu các đơn vị khác chủ động trong việc cung cấp tin tới người dân, tạo sự đồng thuận, tránh các phát sinh có thể xảy ra.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, chuyển đối số đã đi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Do đó, năm 2022 tới, ngành thông tin và truyền thông cần làm tốt hơn việc hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đối số, nhất là cho các địa phương. Chiến lược lớn đã có rồi, giờ cần làm những bài toán cụ thể, quy mô nhỏ, tiến tới nhân rộng.
Bên cạnh đó, trong năm 2022 tới cũng cần làm mạnh hơn về dữ liệu. Chúng ta đã có Hệ thống Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia và giờ cần đẩy mạnh triển khai, hướng tới mục tiêu cuối cùng là phục vụ tốt nhất cho người dân. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp đã làm tốt ở thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp,… thì giờ cần kết nối lại và nâng tầm lên một bước. Mặt khác, cần tập trung hoàn thành cơ sở dữ liệu về tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên đất đai. Ba hệ thống cơ sở dữ liệu lớn này, cộng thêm thanh toán điện tử nếu được đẩy mạnh sẽ giúp chuyển đối số có bước tiến thực chất trong thời gian tới.
Dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp với những biến chủng mới, cuộc chiến phòng, chống dịch vẫn còn nhiều gian nan. Vì thế, các hệ thống, nền tảng, ứng dụng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch cần tiếp tục được hoàn thiện hơn nữa, phát triển thêm để sẵn sàng thích ứng với bối cảnh và tình hình mới.
Đây cũng là cơ hội để chúng ta phát triển các sản phẩm công nghệ “Make in Viet Nam”. Đặc điểm của sản phẩm công nghệ sẽ dần hoàn thiện qua số lượng người dùng, do đó, Phó Thủ tướng mong muốn tất cả các bộ, ngành, địa phương và tất cả người dân cùng ủng hộ sử dụng các sản phẩm công nghệ của Việt Nam.
Gửi phản hồi
In bài viết