Công bố Cổng Thông tin điện tử kết nối với sàn thương mại điện tử trong nước và triển khai áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền
Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã dự và chỉ đạo Hội nghị.
Cùng tham dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Cao Anh Tuấn, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Tài chính trực tiếp phụ trách Tổng cục Thuế; ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông; ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); ông Lê Việt Đông, Phó Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử Chính phủ.
Báo cáo tại Hội nghị, lãnh đạo ngành Thuế cho biết, năm 2022, ngành Thuế triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác thuế trong bối cảnh tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; xung đột Nga-Ukraine kéo dài.
Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh, ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực; trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Với quyết tâm hoàn thành mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, tích cực các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất, kinh doanh nhiều ngành đã từng bước khôi phục. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Đây chính là nền tảng để ngành thuế triển khai các nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành thuế quản lý ước đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán phát lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó thu nội địa ước đạt 1.387.200 tỷ đồng, bằng 121% dự toán pháp lệnh (vượt 240.500 tỷ đồng), tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2021. Số thu thuế, phí nội địa ước đạt 1.064.657 tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán pháp lệnh (vượt 149.657 tỷ đồng), tăng 5,3% so với thực hiện năm 2021.
Có 17/19 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán, đặc biệt 3 khoản thu lớn từ khu vực sản xuất, kinh doanh như: khu vực doanh nghiệp nhà nước đạt 115,7%; khu vực doanh nghiệp (doanh nghiệp) có vốn đầu tư nước ngoài đạt 108,1%; khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh đạt 116,3%…
Có 16/19 khu vực khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021 như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,7%; thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 2,5%; thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 1,4%; thuế thu nhập cá nhân tăng 24,6%; lệ phí trước bạ tăng 21,3%; thu tiền sử dụng đất tăng 13,2%...
Có 8 địa phương cán mốc trên 30 nghìn tỷ đồng là: Bà Rịa-Vũng Tàu, Hưng Yên, Bình Dương, Đồng Nai, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu tại Hội nghị.
Trong năm 2022, ngành thuế đã hoàn thành việc xây dựng “Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030” và đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022.
Trong đó, trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản gồm: Thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập; nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính, đổi mới; công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh nền kinh tế số.
Tổng cục Thuế đã xây dựng 13 đề án thành phần theo các lĩnh vực công tác thuế, trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 2438/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030 và Quyết định số 2439/QĐ-BTC ngày 22/11/2022 về Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025.
Tổng cục Thuế đã chủ động đẩy mạnh công tác tuyên truyền hỗ trợ, bảo đảm đưa chính sách vào cuộc sống, đẩy mạnh qua hình thức điện tử phù hợp xu hướng chuyển đổi số của Chính phủ và nhu cầu tiếp cận thông tin theo phương thức điện tử của người nộp thuế.
Các chương trình hỗ trợ hướng dẫn khai thuế, quyết toán thuế và hỗ trợ trực tuyến về hóa đơn điện tử cũng được triển khai theo hình thức trực tuyến, qua đó thu hút trên 15.000 người truy cập, theo dõi và 169.000 lượt tương tác trực tiếp trong mỗi chương trình.
Toàn ngành thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền trên 174.000 tỷ đồng.
Trong đó, giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ khoảng 20.040 tỷ đồng; giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15 ngày 31/12/2021 và Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 ngày 11/7/2022 khoảng 1.906 tỷ đồng; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn; giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 từ ngày 1/4/2022; giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 từ ngày 11/7/2022 ước khoảng 26.307 tỷ đồng; gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định 34/2022/NĐ-CP khoảng 96.316 tỷ đồng; gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô-tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo Nghị định 32/2022/NĐ-CP ngày 21/5/2022 của Chính phủ khoảng 9.603 tỷ đồng; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí theo Thông tư 120/2021/TT-BTC khoảng 900 tỷ đồng.
Quang cảnh hội nghị.
Tại Hội nghị lần này, ngành thuế đã triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 với điểm nhấn quan trọng là nghi lễ chính thức vận hành Cổng Thông tin điện tử kết nối dữ liệu với các sàn thương mại điện tử trong nước và triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc.
Ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được của ngành thuế nói chung và Cục Thuế các địa phương nói riêng, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định: ngành thuế luôn gắn liền với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và sự đồng hành, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các địa phương.
Đối với năm 2023, trong bối cảnh dự báo tình hình kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc triển khai thành công hóa đơn điện tử khởi tại từ máy tính tiền rất cần sự ủng hộ, vào cuộc, sự chỉ đạo sát sao của chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành.
Vì vậy, các ý kiến tham luận đều tập trung vào các giải pháp trọng tâm triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023; tăng cường hiệu quả công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách và kế hoạch, lộ trình cụ thể triển khai, đẩy mạnh công tác quản lý thuế đối với thương mại điện tử sau khi chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử kết nối dữ liệu với các sàn thương mại điện tử và lộ trình, kế hoạch triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền tại địa phương.
Nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, với bề dày truyền thống, với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cao của toàn hệ thống thuế và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành Trung ương; sự phối hợp, chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, ngành thuế sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần để toàn ngành tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Gửi phản hồi
In bài viết