Vì sự an toàn của đồng nghiệp
15 năm nỗ lực bám nghề, anh Đoàn Văn Trực, Trưởng ngành điện phân xưởng giấy, Công ty cổ phần Giấy An Hòa liên tục cho ra đời nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật có giá trị. Vừa qua, sáng kiến “Thiết kế, chế tạo máy cấp giấy bịt đầu tự động” của anh đã được áp dụng vào sản xuất, đem lại hiệu quả.
Anh Đoàn Văn Trực (bên trái) kiểm tra hoạt động máy cấp giấy bịt đầu tự động.
Anh Trực chia sẻ, trước đây quy trình bao gói thành phẩm giấy cuộn tốn khá nhiều thời gian và nhân công. Công nhân phải thực hiện thủ công bằng cách lấy các tấm bịt đầu đưa vào vị trí máy gấp mép và máy gia nhiệt. Việc phải liên tục di chuyển thực hiện nhiều động tác thủ công và thường xuyên tiếp xúc với thiết bị sinh nhiệt dẫn đến tiềm ẩn các nguy cơ mất an toàn lao động. Để giảm bớt nặng nhọc, tránh rủi ro cho công nhân, anh Trực đã lên ý tưởng và chế tạo thành công 2 cặp máy cấp giấy bịt đầu tự động.
Từ những nguyên liệu có sẵn ở công ty, anh và đồng nghiệp mất hơn 5 tháng để nghiên cứu chế tạo các chi tiết cho sản phẩm mới. Nỗ lực đã sinh trái ngọt, anh Trực cùng đồng nghiệp đã hoàn thành máy cấp giấy tự động và được áp dụng vào sản xuất. Sáng kiến của anh Trực không chỉ giúp giảm sức lao động, tăng hiệu suất làm việc và đặc biệt tránh các nguy cơ mất an toàn, tai nạn lao động do bỏng vì nhiệt độ cao; máy hoạt động chính xác giúp khâu bao gói sản phẩm đạt tính thẩm mỹ cao.
Là công nhân trực tiếp thực hiện bao gói thành phẩm giấy, chị Nguyễn Thị Phương cho biết, trước đây dịp cuối năm, đơn đặt hàng nhiều, công đoạn bao gói thành phẩm giấy cần đến nhiều công nhân. Từ ngày có máy cấp giấy bịt đầu tự động chỉ cần 2 người là đã có thể hoàn thành phần việc. Nhờ cải tiến của anh Trực, chị Phương và công nhân ở phân xưởng giấy bớt vất vả hơn. Những ngày cuối năm, chị không phải tăng ca làm việc như trước nữa mà có thời gian đi sắm sửa, dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, làm đẹp... đón Tết.
Sáng kiến tiền tỷ
Là Phó Giám đốc Công ty TNHH Feldspar An Bình, Khu công nghiệp Sơn Nam điều khiến kỹ sư Trần Quang Điệp được lòng công nhân không chỉ ở sự gần gũi mà còn bởi sự xông xáo, tiên phong trong công việc. Anh Điệp luôn cố gắng tìm tòi, đưa ra nhiều sáng kiến hữu ích, mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp.
Công nhân vận hành hệ thống lọc sắt ngoại lai phát sinh trong quá trình nghiền nguyên liệu gốm sứ
tại Công ty TNHH Feldspar An Bình.
Một trong những lĩnh vực chính của Công ty TNHH Feldspar An Bình là sản xuất nguyên liệu gốm sứ như Bột Caolin, Feldspar, bột đá vôi... Nhằm loại bỏ tối đa các tạp chất có hại trong sản phẩm bột nguyên liệu gốm sứ cần có hệ thống khử sắt ngoại lai phát sinh trong quá trình nghiền. Hệ thống này trước đây nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, hệ thống thường hay bị hư hỏng, sau 1 năm phải thay thế mới với giá thành rất cao.
Suy nghĩ, tìm tòi, anh Điệp đã tự thiết kế, chế tạo hệ thống lọc sắt ngoại lai bằng nguyên liệu có trong nước. Bắt tay thực hiện cải tiến, anh Điệp tìm hiểu nguyên nhân các lỗi gây hư hỏng máy trong công đoạn lọc sắt. Trong quá trình chế tạo, anh quay video để quan sát lại, so sánh các lần thực hiện để khắc phục những hạn chế. Đồng thời, phân tích nguyên liệu, so sánh giữa trước và sau cải tiến để đánh giá lợi ích như thế nào. Sau hơn 6 tháng nghiên cứu, lắp đặt và thử nghiệm, sáng chế của anh đã thành công và được áp dụng vào dây chuyền sản xuất.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Feldspar An Bình cho biết, anh Điệp luôn là “đầu tàu” trong công việc. Các sáng kiến, cải tiến của anh Điệp cùng với anh em công nhân đã giúp làm lợi cho công ty hơn 1 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, anh còn là tấm gương lao động sáng tạo để đồng nghiệp noi theo, góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của toàn công ty.
Độc đáo trà cấp đông
Trà cấp đông hay còn gọi là Trà lạnh Ngọc Thúy - một cái tên có vẻ như còn rất mới mẻ với những ai yêu thích các sản phẩm từ cây chè. Thế nhưng, anh Nguyễn Công Sử đã sáng tạo thành công sản phẩm này. Nhờ sản phẩm Trà cấp đông độc đáo, anh Sử đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2021. Vừa qua, anh vinh dự là 1 trong 62 nhà nông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh “Nhà khoa học của nhà nông” năm 2022.
Anh Nguyễn Công Sử đoạt giải Nhì trong cuộc thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang năm 2021
với sản phẩm Trà Ngọc Thúy cấp đông.
Anh Sử chia sẻ, từ lâu đặc sản chè Ngọc Thúy của hợp tác xã có hương vị thơm, ngon nên được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên thời gian sử dụng sản phẩm chè khô chỉ trong vòng 1 năm. Với mong muốn tạo ra sản phẩm chè có thời hạn sử dụng lâu, nhưng vẫn mang đủ hương, sắc, vị, thần của chè, anh đã lên ý tưởng, nghiên cứu cho ra sản phẩm Trà Ngọc Thúy cấp đông.
Được biết hiện trên địa bàn tỉnh, Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh là đơn vị đầu tiên cho ra thị trường sản phẩm trà cấp đông. Để làm được thứ trà độc đáo này anh Sử mất rất nhiều công sức nghiên cứu, thử nghiệm. Từ khâu chăm bón, thu hái hoàn toàn bằng tay, đảm bảo tiêu chuẩn 1 tôm, 2 lá. Khi thu hái phải ở điều kiện nhiệt độ 28-34 độ C trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Người chế biến cũng phải là một nghệ nhân có độ cảm quan và đôi bàn tay tinh tế để cảm nhận nhiệt độ của mỗi mẻ chè. Quy trình tạo ra trà cấp đông đòi hỏi phải tỉ mỉ, tinh tế và kinh nghiệm cùng bí quyết của người chế biến để tạo ra được thứ trà “tròn vị” mang đủ hương, sắc, vị, thần.
Anh Sử cho biết, cái độc đáo của sản phẩm này là vẫn giữ được 80% dinh dưỡng và hương vị nguyên bản của búp chè tươi; khi pha sắc nước trong chén trà sánh xanh, tỏa hương ngào ngạt và khi uống có vị ngọt đọng sâu trong cổ họng; đặc biệt, thời hạn sử dụng của trà cấp đông là 3 năm. Hiện Trà Ngọc Thúy cấp đông đã được công nhận OCOP 4 sao, mỗi năm hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 2 tấn chè cấp đông, với giá bán 500.000 đồng/kg, doanh thu sản phẩm đạt gần 1 tỷ đồng. Không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, Trà Ngọc Thúy cấp đông đang rất sáng cửa để xuất khẩu.
Nhâm nhi chén trà lạnh, anh Sử phấn khởi bảo, trước đây, mỗi khi Tết đến thiếu thốn đủ thứ, phải lo có bữa ăn no, có cái mặc ấm. Nhờ cây chè mà bây giờ Tết đến gia đình anh chỉ lo mặc sao cho đẹp, ăn sao cho ngon.
Từ những ý tưởng sáng kiến sáng tạo của công nhân, nông dân, người lao động đã được hiện thực hóa, khơi dậy mạnh mẽ sự năng động, sáng tạo, ý chí vượt khó, lòng nhiệt tình hăng say trong lao động, sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại đơn vị, doanh nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết