Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu khai mạc phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Sáng 12/8, tại Nhà Quốc hội, phát biểu khai mạc phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, đây là phiên họp chuyên đề pháp luật thứ 5 được tổ chức từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay.
Theo đó, trong 3 ngày làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật đã được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua.
Cụ thể là các dự án: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Các đại biểu dự phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
"Các dự án luật trên thuộc nhiều lĩnh vực, được dư luận xã hội rất quan tâm, như dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); có tác động lớn đối với người dân và doanh nghiệp như dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); liên quan đến nhiều ngành, nhiều địa phương như dự án Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ...", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đã có hơn 200 lượt ý kiến đại biểu phát biểu, tranh luận tại hội trường và hơn 900 lượt ý kiến phát biểu tại tổ đối với các dự án luật trên. Đây đều là những ý kiến trách nhiệm, tâm huyết.
Sau Kỳ họp, các cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Đồng thời, chủ động tổ chức nhiều cuộc khảo sát, toạ đàm, hội thảo, lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động để tiếp tục hoàn thiện các dự thảo luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, báo cáo rõ những vấn đề nào đã tiếp thu, vấn đề nào chưa tiếp thu, lý do tại sao; những vấn đề nào còn chưa thống nhất giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo.
"Chúng ta tiếp tục thực hiện đúng tinh thần: cho dù chỉ một ý kiến còn khác nhau cũng được nghiên cứu, giải trình đầy đủ để đại biểu Quốc hội thấy được sự đóng góp của đại biểu và tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra rất chặt chẽ, bảo đảm yêu cầu trong xây dựng pháp luật", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH)
Đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan bám sát quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc chỉ đạo như Chương trình đã trình Quốc hội thông qua. Cùng với đó, qua cuộc khảo sát, toạ đàm, hội thảo được tổ chức vừa qua rút ra vấn đề gì cần thiết phải bổ sung vào dự thảo luật thì cũng cần bám sát nguyên tắc xây dựng pháp luật.
"Chúng ta cần hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các cơ quan, cá nhân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của các dự luật, những vấn đề người dân, doanh nghiệp thấy còn vướng mắc cần tháo gỡ để hoàn thiện các dự thảo luật bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cho biết Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 178 ngày 27/6/2024 về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu tham dự phát biểu rõ quan điểm, chính kiến một cách khách quan, không né tránh vấn đề khó, nhạy cảm, dễ xảy ra trục lợi chính sách; tập trung làm rõ, đi thẳng vào những vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tới đây, Quốc hội dự kiến sẽ tổ chức Diễn đàn xây dựng pháp luật để bàn sâu hơn, kỹ hơn về công tác lập pháp làm sao để nâng cao hơn nữa chất lượng lập pháp, phát huy vai trò của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, các cấp, các nhà khoa học, các nhà làm luật chuyên nghiệp đóng góp cho công tác xây dựng pháp luật.
Gửi phản hồi
In bài viết