Giao dịch tại Ngân hàng SeAbank.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Nghị quyết số 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42) thí điểm xử lý nợ xấu còn phức tạp và chỉ được kéo dài đến hết năm 2023, do đó, việc luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 là hết sức cần thiết.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống đến cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% thời điểm cuối năm 2022 và gần gấp hai lần so với cuối năm 2021.
Tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 2/2023 ước chiếm 5% tổng dư nợ - gần tương đương với tỷ lệ nợ xấu nền kinh tế phải đối diện khi Nghị quyết 42 bắt đầu có hiệu lực.
Trong quá trình xử lý nợ xấu, một vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên, đến khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực, câu hỏi đặt ra là việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ tiếp tục được thực hiện như thế nào? Theo chia sẻ của một vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật.
Nếu không có các quy định này có thể các tổ chức tín dụng sẽ rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân.
Giám đốc cao cấp quản trị quan hệ công Techcombank Nguyễn Thị Vân Hoài cho biết, trong hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, việc áp dụng các biện pháp bảo đảm giữ vai trò đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm khả năng thu hồi vốn.
Do vậy, cần thiết phải có một hành lang pháp lý rõ ràng và minh bạch để bảo vệ bên cho vay, bên nhận bảo đảm trong các trường hợp bên vay không có khả năng trả nợ hoặc chây ỳ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần có quy định đặc biệt về xử lý nợ xấu và cơ chế gia tăng hiệu quả xử lý vấn đề.
Đồng thời, Luật cũng cần tính đến lợi ích chủ nợ, người vay nợ, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay nợ. Bên cạnh đó, cần tính toán để tránh việc lạm dụng các quy định xử lý nợ xấu, tránh nguyên nhân chủ quan và khách quan, bảo đảm tạo ra lợi ích công bằng.
Nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về các tổ chức tín dụng, xử lý những vướng mắc, bất cập của luật hiện hành, nhất là sau khi Nghị quyết 42 hết hiệu lực từ ngày 31/12/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
Tại lần sửa đổi này, dự thảo Luật đã bổ sung thêm một chương quy định về xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhằm luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.
Dự thảo cũng luật hóa một số quy định tại Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về nợ xấu, bán nợ xấu và tài sản bảo đảm; mua, bán khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án;...
Việc bổ sung các quy định này nhận được sự ủng hộ của các ngân hàng, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo Tiến sĩ Châu Đình Linh (Trường đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh), việc nhanh chóng luật hóa Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng sẽ tạo hành lang pháp lý và nâng cao tính hiệu quả trong công tác xử lý nợ xấu.
Do những vướng mắc hiện liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực, nhiều luật khác như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)..., cho nên khi luật hóa Nghị quyết 42 sẽ tạo cơ chế pháp lý thống nhất, đồng bộ, giúp các ngân hàng xử lý nợ xấu nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Trên một góc độ khác, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, trong trung hạn, hợp lý nhất là phải xây dựng một luật chung để xử lý nợ xấu của nền kinh tế, trong đó trọng điểm là nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Còn trước mắt, cần xem xét bổ sung một quy định mở rộng phạm vi áp dụng chương xử lý nợ xấu cho cả nền kinh tế.
Nếu không làm được như vậy, thì ít nhất cũng cần có quy định cho phép người mua nợ kèm theo tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng được kế thừa hai quyền đặc biệt quan trọng là tiếp tục được quyền thu giữ tài sản bảo đảm và tiếp tục được nhận thế chấp quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, rộng hơn là được nhận thế chấp bất động sản đối với các công ty mua bán nợ của nước ngoài.
Giai đoạn hiện nay, nền kinh tế trong nước đang chịu tác động không nhỏ từ diễn biến bất lợi của tình hình chính trị, kinh tế thế giới; tiêu dùng và xuất khẩu, đơn đặt hàng giảm thấp, nhất là ở các thị trường lớn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường ngày càng tăng.
Trước bối cảnh đó, các ngân hàng cũng đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, chất lượng tài sản suy giảm, nợ xấu tiềm ẩn gia tăng, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ của các ngân hàng đang gặp nhiều vướng mắc.
Trong thời gian qua, không chỉ nợ xấu tăng cao mà còn nổi lên hiện tượng “bùng nợ” cho nên càng cần có cơ chế xử lý đủ mạnh.
Chính vì vậy, luật sư Trương Thanh Đức cho biết, cần xác định rõ, nợ xấu không phải là sở hữu của ngân hàng, mà là của doanh nghiệp, của người đi vay và của cả nền kinh tế.
Do đó, xử lý nợ xấu không phải là giúp đỡ, hỗ trợ hay ưu ái, dành đặc ân cho một số người, nhóm doanh nghiệp hay một vài ngân hàng xấu mà việc cần thiết là làm cho nợ xấu tốt lên vì cái chung, vì doanh nghiệp và vì cả nền kinh tế.
Gửi phản hồi
In bài viết