Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Trong báo cáo “Triển vọng nhân đạo toàn cầu” năm 2024 mới được công bố, Liên hợp quốc nhấn mạnh, dù xuất hiện hàng loạt điểm nóng nhân đạo, cần các chiến dịch trợ giúp quy mô lớn như Gaza, Sudan, Afghanistan nhưng vào năm 2024, Liên hợp quốc buộc phải giảm quy mô cứu trợ bởi hoạt động quyên góp tài chính giảm sút.
Theo Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths, sự hỗ trợ từ cộng đồng quốc tế chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.
Năm 2023, các chương trình nhân đạo chỉ huy động được 35% trong tổng số 56,7 tỷ USD mà Liên hợp quốc kêu gọi huy động. Với số vốn này, Liên hợp quốc đã cứu trợ và bảo vệ cho khoảng 128 triệu người. Chỉ còn vài tuần nữa là hết năm 2023 và nhiều khả năng đây sẽ là năm đầu tiên số tiền từ thiện hằng năm cho các quỹ nhân đạo giảm sút kể từ năm 2010.
Do đó, Liên hợp quốc đã giảm số tiền kêu gọi huy động cho năm 2024 xuống còn 46,4 tỷ USD, đồng thời tập trung cung cấp hỗ trợ cho những nhóm cần nhất.
Số tiền huy động cho năm 2024 sẽ dùng để trợ giúp 72 quốc gia, trong đó có 26 nước đang lâm vào khủng hoảng và 46 nước chịu hệ lụy từ các cuộc khủng hoảng này. Nhóm năm nước cần hỗ trợ nhiều nhất là Syria (4,4 tỷ USD), Ukraine (3,1 tỷ USD), Afghanistan (3 tỷ USD), Ethiopia (2,9 tỷ USD) và Yemen (2,8 tỷ USD).
Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp thêm 9,3 tỷ USD để thực hiện các hoạt động nhân đạo năm 2024, khi số trẻ em trên thế giới bị cuốn vào vòng xoáy khủng hoảng nhân đạo gia tăng ở mức đáng báo động.
Theo UNICEF, khoản hỗ trợ tài chính sẽ giúp cơ quan này triển khai các chương trình tiêm chủng phòng bệnh sởi cho 17,3 triệu trẻ em, hỗ trợ 7,6 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng trầm trọng và 19,3 triệu trẻ em không được đến trường...
Nhu cầu nhân đạo tăng cao nhưng hàng loạt vấn đề lại đang cản trở công tác viện trợ, như tài chính hạn chế, các tình nguyện viên và nhân viên hỗ trợ nhân đạo là mục tiêu của nhiều cuộc tấn công bạo lực.
Lý giải về nguồn kinh phí eo hẹp, ông Griffiths cho biết, bản thân các quốc gia tài trợ cũng đang khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Trên thực tế, do thiếu kinh phí nghiêm trọng, hồi cuối tháng 7/2023, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã buộc phải đình chỉ công tác phòng chống suy dinh dưỡng ở Yemen trong tháng 8.
Lý do gây ra khủng hoảng nhân đạo từ nhiều năm nay vẫn là các cuộc giao tranh, xung đột, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh, các hình thái thời tiết cực đoan...
Theo số liệu của UNICEF, khoảng 94 triệu trẻ em ở 155 nước đang lâm vào tình cảnh khó khăn do các cuộc xung đột khu vực và thảm họa thiên nhiên gây ra. Ông Griffiths nhận định rằng, biến đổi khí hậu có thể sẽ thay thế xung đột trở thành nguyên nhân khiến nhiều người cần hỗ trợ nhân đạo nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết