Sức mua của người tiêu dùng Mỹ, Trung Quốc tác động lớn tới nhiều thị trường sản xuất toàn cầu.
Theo Cục Thống kê của Bộ Thương mại Mỹ, tháng 11-2023, doanh thu bán lẻ tăng 0,3%, sau khi giảm 0,2% vào tháng 10-2023. So với cùng kỳ năm 2022, con số này tăng 4,1%. Doanh thu bán lẻ của Mỹ bất ngờ tăng khi các chương trình khuyến mại lớn, giảm giá sâu giúp mùa mua sắm trong dịp nghỉ lễ có khởi đầu thuận lợi. Nhờ đó, nền kinh tế số một thế giới có thể duy trì đà tăng trưởng trong quý này và tiếp tục xoa dịu nỗi lo ngại về nguy cơ suy thoái.
Sự phục hồi của ngành bán lẻ ở Mỹ đã phản ánh xu hướng tiêu dùng tích cực nhờ thị trường lao động vững chắc. Việc người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu sẽ thúc đẩy lợi nhuận của doanh nghiệp và sự phát triển của thị trường. Đây cũng là động lực để giới chuyên môn lạc quan rằng, nỗi lo về nguy cơ suy thoái trong năm nay sẽ không thành hiện thực. Thậm chí, các chuyên gia kinh tế dự báo tiêu dùng trong quý IV-2023 có thể tăng tới 2,75%, cao hơn so với dự báo 2% được đưa ra trước đó.
Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc củng cố niềm tin theo cách riêng, với việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (còn gọi là Ngân hàng Trung ương Trung Quốc) “bơm” tới 800 tỷ nhân dân tệ (tương đương 112 tỷ USD) cho các ngân hàng thương mại dưới dạng khoản vay kỳ hạn một năm, đồng thời giữ nguyên lãi suất 2,5%/năm đối với các khoản vay một năm tương đương 91 tỷ USD của các tổ chức tín dụng. Để duy trì thanh khoản dồi dào cho nền kinh tế, trước đó Chính phủ Trung Quốc bán thêm 1.000 tỷ nhân dân tệ, 140 tỷ USD trái phiếu chính phủ cũng như nâng tỷ lệ thâm hụt tài khóa lên mức cao nhất trong ba thập kỷ.
Chưa hết, các biện pháp hạn chế mua nhà ở thủ đô Bắc Kinh và thành phố Thượng Hải đều được nới lỏng, nhằm chặn đứng tình trạng suy giảm mạnh của thị trường nhà đất. Thủ đô Bắc Kinh hạ tỷ lệ tiền mặt bắt buộc trả trước cho căn nhà thứ hai xuống còn 40-50%. Thành phố Thượng Hải cũng có động thái tương tự. Một số chuyên gia nhận định, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho nền kinh tế trong năm tới như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm lãi suất cùng các gói kích thích tài khóa lớn hơn.
Tính ổn định cục bộ và những nỗ lực mạnh mẽ từ hai “đầu tàu” Mỹ và Trung Quốc đang thổi sinh khí kích thích các nền kinh tế khác trên toàn cầu. Thực tế, sức mua giảm từ Mỹ và Trung Quốc trong suốt năm 2023 đã cộng hưởng với khó khăn từ các xung đột địa chính trị, tác động biến đổi khí hậu… tạo ra làn sóng đình trệ trên khắp thế giới. Giờ đây, với tín hiệu tích cực về lạm phát, châu Âu đang được dự báo có thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định trong dài hạn cũng nhờ những diễn biến tích cực từ nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc.
Thông qua việc mua hàng hóa nhiều hơn, hai nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc hoàn toàn có thể “tiếp sức” cho kinh tế châu Âu - vốn thiên về sản xuất và chế tạo. Diễn biến này thấy rõ hơn ở Đức. Dự báo, nền kinh tế Đức đang trên đà suy giảm với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sẽ giảm 0,4% vào năm 2023 so với mức 0,2% dự kiến trước đó.
Tương tự, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây đánh giá tăng trưởng cao hơn dự kiến của Trung Quốc là lý do nâng triển vọng tăng trưởng của khu vực gồm 46 nền kinh tế thành viên mới nổi trong ADB trải dài từ Kazakhstan ở Trung Á đến Quần đảo Cook ở Thái Bình Dương (không tính Nhật Bản, Australia và New Zealand). Theo đó, kinh tế khu vực này dự báo sẽ tăng trưởng 4,9% trong năm 2023, cao hơn so với mức dự báo 4,7% hồi tháng 9-2023.
Tuy nhiên, các nền kinh tế không thể chủ quan trong bối cảnh những dự báo năm 2024 cho thấy “tông màu xám”. Gần đây, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo, kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng 1,5%, trong khi Trung Quốc cũng chỉ đạt 4,7% vào năm 2024. Đồng nghĩa, giai đoạn khởi sắc hiện nay cần được coi là bước đệm quan trọng, góp phần củng cố khả năng chống chọi của các nền kinh tế trước một giai đoạn còn nhiều khó khăn và thách thức.
Gửi phản hồi
In bài viết