Quyết tâm gieo cấy hết diện tích
Cánh đồng thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) không khí sản xuất vui như hội. Tiếng nói, tiếng cười của các bà, các chị cấy lúa hòa trong tiếng máy làm đất rộn vang cả vùng. Bà Âu Thị Mỳ phấn khởi bảo, Tết vẫn còn nhưng không vì thế mà bà con quên sản xuất. Tranh thủ hồ thủy điện xả nước, thủy nông viên điều tiết nước về, bà và nhiều hộ dân có diện tích đất canh tác khẩn trương xuống đồng bắt tay vào làm đất, để gieo cấy lúa xuân. Theo bà Mỳ và nhiều nông dân trong xã Quyết Thắng, ngay từ đầu vụ thời tiết đã bất lợi, trời không có mưa, nguồn nước trông hoàn toàn vào việc xả nước của hồ thủy điện, bơm điều tiết của ban quản lý nên người dân phải tranh thủ tối đa thời gian gieo cấy. Nước về đến đâu, bà con làm đất ngay tới đó để có thể gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất.
Người dân thôn Sài Lĩnh, xã Quyết Thắng (Sơn Dương) đổi công hỗ trợ nhau đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa Xuân.
Ra xuân khí thế lao động sản xuất của người nông dân huyện Hàm Yên, Yên Sơn cũng hăng hái hơn. Nhiều cánh đồng hôm trước còn là đất, hôm sau lúa non đã dệt kín. Ông Hoàng Văn Nho, thôn Đô Thượng 1, xã Xuân Vân (Yên Sơn) hào hứng chia sẻ: Thửa ruộng 4 sào của gia đình ông đã được cày vỡ, dẫn nước đổ ải từ trong Tết. Ra Tết, nước xả lần 2, ông thuê máy phay nhuyễn, loạt 1-2 vòng là xuống mạ. Theo lời ông Nho, cả thôn ông có truyền thống đổi công, nhà nhà hỗ trợ nhau gieo cấy, nhân lực đông đảo nên ngày trước, ngày sau cả cánh đồng đã xanh màu lúa non. Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Sơn Tạ Văn Tình khẳng định: Năm nay thời tiết có những bất lợi, nhiều tháng thời tiết không có mưa, song đổi lại bà con rất chủ động trong sản xuất, nguồn nước bơm, điều tiết đến đâu, bà con làm đất, gieo cấy luôn đến đó; những diện tích đất khó khăn về nguồn nước, người dân đã chuyển đổi sang gieo trồng các loại cây màu, đậu đỗ…
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày mùng 7 Tết (tức ngày 4-2) những diện tích đủ nước đã được gieo cấy, chiếm trên 70% diện tích gieo cấy.
Theo ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, khung lịch thời vụ gieo cấy năm nay đúng vào dịp Tết Nguyên đán, tại các địa phương, người nông dân vẫn ưu tiên số 1 cho sản xuất, không khí xuống đồng không khác ngày hội, một số diện tích vùng trũng đã được gieo cấy sớm để tránh lũ tiểu mãn. Với tiến độ sản xuất như hiện nay, trên 18.000 ha lúa xuân sẽ được gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Đảm bảo cho việc tưới dưỡng lúa xuân
Vụ xuân được xác định là vụ lúa chủ lực, cho năng suất cao và góp phần quan trọng, quyết định đến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Vì vậy, ngay từ đầu vụ, toàn tỉnh đã tập trung cao độ cho công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất, phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ từng giai đoạn để đạt hiệu quả cao. Đi đôi với đó là xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân để tạo thành chuỗi luân canh, tạo điều kiện cho sản xuất theo đúng lịch thời vụ.
Năm nay tỉnh phấn đấu gieo cấy trên 18.000 ha lúa xuân, trong đó nhóm lúa chất lượng cao chiếm khoảng 40 - 50%.
Người dân xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) tập trung gieo trồng cây màu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đại Thành cho biết: Vụ xuân năm nay được dự báo sẽ là một vụ nhiều khó khăn, thực tế cho thấy từ sau cơn bão số 3, hồi tháng 9-2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh không có mưa, nếu có chỉ là mưa bụi khiến nguồn nước bổ sung vào các hồ chứa bị mất, lượng nước tích trữ chỉ đạt 50 - 60% dung tích thiết kế. Một số diện tích dù đã được gieo cấy, tuy nhiên, nguồn nước tưới dưỡng cho lúa non rất hạn chế, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quá trình bén rễ hồi xanh của lúa non. Chủ động phòng, chống hạn cho cây trồng, đặc biệt là diện tích lúa xuân, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, các huyện, thành phố chỉ đạo các đơn vị chuyên môn vận hành tối đa trạm bơm cố định, dã chiến trong thời gian hồ thủy điện xả nước để bơm nước vào đồng ruộng, đồng thời trữ trong ao hồ, kênh tưới, khu vực đồng trũng; vận động, tuyên truyền nhân dân giữ nước trong đồng, làm đất để bảo đảm diện tích đủ nước theo kế hoạch. Mục tiêu đặt ra, nước đến đâu, làm đất, gieo cấy ngay tới đó; các địa phương hướng dẫn người dân be bờ, giữ ổn định mực nước đảm bảo cho cây lúa non bén rễ hồi xanh.
Đồng chí Hoàng Thị Sỹ, Giám đốc Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cho biết: Ban đã kiểm tra, đồng thời có đánh giá cụ thể các nguồn nước và có phương án điều tiết nước hiệu quả nhất phục vụ sản xuất. Ban cũng yêu cầu các ban cơ sở sẵn sàng các máy bơm dã chiến chủ động bơm tưới. Trước mắt, nguồn nước vẫn đảm bảo để phục vụ làm đất, gieo cấy hết diện tích lúa xuân.
Bên cạnh việc ứng phó với hạn hán, ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương hướng dẫn bà con chỉ gieo cấy khi thời tiết trên 15oC; thực hiện gieo cấy đồng loạt tránh cùng một cánh đồng thửa gieo trước, thửa gieo sau gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phòng trừ dịch hại sau này. Bên cạnh đó, cần chú trọng mở rộng diện tích lúa chất lượng cao và mở rộng diện tích thâm canh lúa cải tiến SRI, làm mạ khay... nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thiểu chi phí đầu vào cũng như nhân công lao động.
Với sự sát sao trong công tác chỉ đạo sản xuất của ngành Nông nghiệp, các cấp chính quyền, sự tích cực, chủ động bắt tay vào sản xuất ngay những ngày đầu xuân năm mới của nông dân ở khắp các địa phương, hy vọng sẽ có một vụ xuân thắng lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết