Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang: Phát huy khả năng sáng tạo, đồng hành phát triển

- Kiến trúc là một ngành đặc thù nằm giữa hai lĩnh vực: Kỹ thuật và nghệ thuật. Bởi vậy, người ta thường ví kiến trúc sư như một nhà toán học mang tâm hồn lãng mạn của một nghệ sỹ. Những năm qua, các hội viên Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang luôn cố gắng hoàn thiện hai tố chất đó, tạo nên những bản thiết kế đậm bản sắc cho xứ Tuyên.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chúc mừng BCH Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang.

Đóng góp quy hoạch, kiến trúc đô thị

Thành lập từ năm 1989, Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Hội hiện có 68 hội viên, trong đó có 25 hội viên được kết nạp Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Hội là mái nhà chung, tập hợp động viên lực lượng kiến trúc sư tại địa phương làm tốt nghĩa vụ công dân, giúp đỡ nhau trong hành nghề. Đồng thời, bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, nâng cao chất lượng chuyên môn, tiếp cận thông tin và định hướng kiến trúc Việt Nam, xu hướng kiến trúc đương đại.

Kiến trúc sư Nguyễn Việt Hoàng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang chia sẻ, bằng sự lao động sáng tạo nhiệt tình, lực lượng kiến trúc sư của tỉnh đã có nhiều đóng góp trí tuệ, công sức cho sự đổi mới quy hoạch, kiến trúc trong tỉnh. Thời gian qua, các hội viên và các kiến trúc sư thiết kế kiến trúc và quy hoạch xây dựng hàng trăm công trình vừa và nhỏ từ đô thị đến nông thôn. Đặc biệt, hội đã động viên đông đảo các kiến trúc sư tham gia chương trình chung tay xây dựng nông thôn mới. Đã quy hoạch trung tâm các xã điểm, thiết kế các mẫu nhà ở nông thôn, nhà văn hóa trên cơ sở đó giúp Sở Xây dựng tuyển chọn và trình UBND tỉnh ban hành những mẫu nhà văn hóa, nhằm đơn giản hóa thủ tục tư vấn thiết kế dự toán, rút ngắn thời gian thẩm định phê duyệt giảm chi phí đầu tư. Nhiều dự án, công trình, đồ án quy hoạch do kiến trúc sư của hội thiết kế và tham gia nghiên cứu thiết kế theo xu hướng kiến trúc xanh, hiện đại, tiết kiệm năng lượng đã được xây dựng góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị của tỉnh.

Các kiến trúc sư tích cực tham gia Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên địa bàn tỉnh. Bao gồm công trình tại các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên, Sơn Dương và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Tuyên Quang giai đoạn 2020 tầm nhìn 2030. Thẩm định hàng chục quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới. Đồng thời, tham gia tư vấn phản biện, tham gia góp ý các dự án đầu tư trọng điểm của tỉnh như cầu Tình Húc, công trình xây dựng trên các trục đường chính đô thị thuộc các thị trấn và TP Tuyên Quang...

Kiến trúc sư Hà Quốc Dũng (thứ 2 từ trái sang), Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang cùng các kiến trúc sư trao đổi về bản thiết kế mới.

Mỗi công trình là một tác phẩm nghệ thuật

Một số công trình nổi bật của hội viên Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang trong những năm qua như: nhà làm việc Bưu điện tỉnh Tuyên Quang, nhà làm việc Công an thành phố Tuyên Quang, nhà làm việc Công ty tư vấn giám sát, nhà làm việc liên cơ quan Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, công viên Tân Quang, công viên vườn hoa thành phố Tuyên Quang, nhà làm việc Bộ CHQS tỉnh, Thư viện tỉnh...

Kiến trúc sư Phạm Văn Bóng chia sẻ, để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của nhà đầu tư, kiến trúc sư phải thường xuyên trau dồi, học hỏi kinh nghiệm của đồng nghiệp. Đồng thời, cập nhật mẫu thiết kế hiện đại nhất trong nước và thế giới để ứng dụng vào những công trình cụ thể. Khi thiết kế một công trình dù lớn hay nhỏ, người kiến trúc sư phải tiến hành khảo sát kỹ hiện trường để định vị, đưa ra phương án phù hợp. Để khắc phục những sự cố trong khi thi công công trình, người kiến trúc sư phải trực tiếp giám sát và xử lý kịp thời bảo đảm tính an toàn và tính thẩm mỹ cho công trình.

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, anh Phạm Trung Hải hiện là Giám đốc Công ty Trúc Lâm. Anh được biết đến với nhiều bản thiết kế như: Hội trường UBND huyện Lâm Bình, Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Yên, Di tích Nha ngân khố Quốc gia tại thôn Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn)... Đối với anh một bản thiết kế đẹp là phải mang hơi thở kiến trúc đương đại nhưng phải giữ được bản sắc địa phương. Ví dụ như khi thiết kế Hội trường UBND huyện Lâm Bình, một huyện vùng cao đa số là đồng bào dân tộc thiểu số thì công trình có lối kiến trúc hiện đại nhưng phải kết hợp hài hòa với kiến trúc độc đáo riêng của người miền núi. Điểm nhấn công trình là cột bê tông giả gỗ tạo cảm giác không gian thoáng đãng rộng lớn nhà sàn truyền thống của người dân bản địa. Bên cạnh đó, khi thiết kế một công trình đòi hỏi người kiến trúc sư phải có sự sáng tạo. Kiến trúc Thư viện tỉnh là một công trình khá tâm huyết của anh Phạm Trung Hải. Chúng ta dễ nhận thấy mặt trước Thư viện tỉnh được thiết kế theo hình dáng tủ sách và cuốn sách đang được mở ra. Đó là ý tưởng vừa giá trị thẩm mĩ vừa giá trị biểu tượng cao, tạo cảm giác gần gũi, quen thuộc cho bạn đọc đến thư viện.

Hơn 30 năm, Hội Kiến trúc sư Tuyên Quang có nhiều đóng góp không nhỏ trong sự phát triển chung của tỉnh. Tuy nhiên do thiếu sót trong công tác quản lý, lưu trữ hồ sơ quy trình thủ tục chuyển đổi của hội. Ngày 22/10/2022, UBND tỉnh Tuyên Quang đã ban hành quyết định về việc cho phép thành lập lại Hội Kiến trúc tỉnh Tuyên Quang. Vừa qua, Đại hội Hội Kiến trúc sư tỉnh Tuyên Quang khóa I, nhiệm kỳ 2023-2028 đã được tổ chức, bầu 7 người vào BCH. Đại hội cũng đề ra các chỉ tiêu: phấn đấu 100% gia đình các hội viên thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và khu đô thị văn minh”; kết nạp trên 90% các kiến trúc sư về công tác tại tỉnh tham gia hoạt động hội; 90% hội viên tham gia hoạt động nghề có hiệu quả, góp phần nâng cao kinh tế gia đình và đóng góp cho công cuộc xây dựng tỉnh nhà...

Bài, ảnh: Giang Lam

Tin cùng chuyên mục