Có mấy tấm bằng vẫn thất nghiệp
Thời gian qua, tình trạng sinh viên học đại học, cao đẳng ra trường không xin được việc vẫn diễn ra. Nhiều trường hợp đã gác tấm bằng đại học đi làm công nhân để có thu nhập ngay phụ giúp cho gia đình.
Trường hợp chị Đ.T.T.H. ở phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) có bằng Trung cấp Thú y và bằng Đại học ngành Công nghệ môi trường của trường Đại học Khoa học Thái Nguyên từ 5 năm nay nhưng vẫn không xin được việc làm nên chị đành xin đi làm công nhân tại một công ty chế biến gỗ ở huyện Yên Sơn. Chị H. chia sẻ, gia đình muốn chị phải học để xin vào cơ quan nhà nước. Vậy nhưng học xong, bố mẹ chị nhờ vả mấy chỗ thân quen cũng không được. Cuối cùng chị nhận thấy đi làm công nhân cũng tốt và thấy tiếc cho quãng thời gian dài trước kia và chi phí phải bỏ ra để đi học đại học.
Đào tạo nghề hàn tại trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang.
Hay như trường hợp chị N.T.H ở xã Tân Tiến (Yên Sơn) học Cao đẳng Kế toán ra trường cách đây nhiều năm nhưng đến nay vẫn không xin được việc làm theo đúng chuyên ngành mà lại chỉ đi làm công nhân may. Chị H. thừa nhận, khi học tập ở trường và đến khi đi làm, công việc thực tế khác xa nhau rất nhiều nên không thể đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng được. Cùng bạn học với chị H. một số người không đi học chuyên nghiệp chỉ xin học nghề ngắn hạn nhưng lại có được việc làm ổn định nhờ chọn đúng nghề và phù hợp với hoàn cảnh gia đình mình.
Những trường hợp học viên học xong không áp dụng được vào thực tế hoặc không xin được việc làm là do việc đào tạo nghề chưa sát với thực tế, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng hoặc do bản thân của mỗi người học không chịu đổi mới. Ông Đỗ Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Anh (TP Tuyên Quang) chuyên lĩnh vực xây dựng cho biết, khi tuyển dụng thì ngoài yếu tố bằng cấp, năng lực của người được tuyển dụng mới thực sự quan trọng. Có những người được đào tạo đúng chuyên ngành công ty tuyển vào nhưng năng lực kém nên chỉ làm những việc lặt vặt hoặc không đúng chuyên môn. Điều này cho thấy công tác đào tạo, giáo dục kỹ năng cho học viên tại các cơ sở dạy nghề cần được nâng cao, sát với thực tế và ngành nghề công việc.
Thực tế cho thấy cũng không ít trường hợp sinh viên tốt nghiệp ra trường có 2, 3 bằng đại học, cao đẳng nhưng vẫn không thể xin được việc. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do sinh viên chưa có sự lựa chọn nghề nghiệp hợp lý, thiếu kiến thức thực tế để đáp ứng yêu cầu công việc. Bên cạnh đó tư tưởng của phụ huynh và học sinh “Làm thầy hơn làm thợ” vẫn tồn tại dẫn đến tình trạng cố thi, cố học để rồi dẫn đến tình trạng “Thừa thầy thiếu thợ” hoặc nơi thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn hoàn thiếu.
Lựa chọn nghề phù hợp cho tương lai
Học nghề xong xin được việc làm ngay với mức lương ổn định là mơ ước của không chỉ các học viên mà còn là bài toán bấy lâu nay các cơ sở dạy nghề luôn đau đáu tìm lời giải. Bởi thế, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đến việc khảo sát nhu cầu của người học cùng với đó xác định những ngành nghề xã hội đang cần hiện nay để mở lớp đào tạo phù hợp, tránh lãng phí tiền bạc và thời gian của người học. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động trên địa bàn huyện Sơn Dương.
Ông Vi Thế Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Giám đốc Công ty TNHH Linh Lực cho biết, những năm qua, Công ty đã tuyển dụng người lao động thông qua các khóa đào tạo của trường Cao đẳng Nghề Kỹ thuật - Công nghệ Tuyên Quang. Qua thực tiễn làm việc, hầu hết người lao động đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Mỗi khi có nhu cầu về lao động, Công ty sẽ liên kết với nhà trường để “đặt hàng” đào tạo, tuyển dụng lao động. Chính sự chủ động hợp tác giữa các cơ sở đào tạo nghề với các doanh nghiệp sẽ giúp hai bên hiểu nhau hơn, từ đó nâng cao hiệu quả công tác đào tạo và tuyển dụng.
Thực tế trên cho thấy việc lựa chọn ngành nghề học tập phải gắn với nhu cầu thực tế xã hội, xã hội đang cần ngành nghề nào thì lựa chọn ngành nghề ấy cho phù hợp. Không nhất thiết phải lựa chọn học đại học là con đường duy nhất mà có thể lựa chọn đi học nghề tốn ít chi phí xong lại dễ xin được việc làm hơn. Em Chu Văn Linh, dân tộc Dao ở xã Tri Phú (Chiêm Hóa) tốt nghiệp khóa đầu tiên hệ vừa học văn hóa vừa học nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Chiêm Hóa cho biết, sau khi học xong lớp vận hành máy thi công nền và hoàn thành chương trình THPT em đã xin vào làm việc tại một Công ty Xây dựng ở tỉnh Hải Phòng với mức thu nhập ổn định hơn chục triệu đồng/tháng. Em nhận thấy việc học nghề kết hợp học văn hóa đã giúp em tiết kiệm được đáng kể thời gian và kinh phí học tập.
Các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh ngày càng gắn việc đào tạo với nhu cầu xã hội. Từ đó để mở những chuyên ngành đào tạo xã hội đang cần, hướng người học đến những lựa chọn an toàn. Theo số liệu khảo sát của trường Đại học Tân Trào mới đây, tỷ lệ có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường sau 1 năm đạt hơn 90% với mức thu nhập trung bình từ 5 triệu đồng/tháng trở lên. Kết quả trên cho thấy việc triển khai, thực hiện các chính sách, chương trình hỗ trợ sinh viên sau khi ra trường, hoạt động liên kết, kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp đã mang lại hiệu quả cao. Cùng với đó, việc không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, mở các mã ngành đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường, xã hội hiện nay đã góp phần nâng cao tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm.
Từng bước nâng cao chất lượng công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh, học viên sẽ góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết