Dự hội nghị có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe đơn vị tư vấn trình bày Chương trình phát triển đô thị thành phố Tuyên Quang.
Hội nghị cho ý kiến vào Chương trình phát triển đô thị thành phố Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; dự thảo Đề án Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025; chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và nhiều nội dung quan trọng khác.
Lãnh đạo Sở Tài Nguyên và Môi trường trình bày Đề án tăng cường quản lý,
xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
Nội dung chương trình phát triển đô thị được định hướng cho thành phố Tuyên Quang gồm 12 khu vực để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư các dự án, tạo tiềm lực để thành phố trở thành đô thị loại I vào năm 2030. Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nhất trí các nội dung chương trình phát triển đô thị thành phố Tuyên Quang, tuy nhiên yêu cầu đặt ra là thành phố phải có nhà máy xử lý rác thải, hệ thống thoát nước; xây dựng khu hành chính, dịch vụ, du lịch; quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị thành phố phải tiếp tục rà soát các tiêu chí phát triển bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch sử dụng đất; tiến hành rà soát hệ thống xử lý nước thải để bổ sung hoàn thiện phù hợp với địa hình, mật độ dân cư và sản xuất của từng khu vực. Thành phố xem xét kỹ lưỡng xây dựng nhà máy xử lý rác thải và một số công trình công cộng khác phải thực sự hợp lý; rà soát quỹ đất để đảm bảo phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời, phải đánh giá thêm các chỉ tiêu tăng trưởng, có các giải pháp đột phá phát huy được lợi thế về giao thông, hình thành các nút giao thông trên cao tốc để giải quyết các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Đề án Tăng cường quản lý, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chống rác thải nhựa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 đề ra mục tiêu có 96% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu vệ sinh môi trường; giảm tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý trực tiếp bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30%; tỷ lệ chôn lấp sau xử lý xuống dưới 20%; 80% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại khu dân cư nông thôn tập trung được thu gom, lưu giữ, vận chuyển, tự xử lý, xử lý tập trung đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; phấn đấu hàng năm giảm tối thiểu 10% rác thải và chất thải nhựa phát thải trên địa bàn tỉnh… Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xem xét để triển khai đề án hiệu quả nhất.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhất trí chủ trương chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần, gồm Đoạn quản lý và sửa chữa đường bộ, Trung tâm Đăng kiểm phương tiện giao thông vận tải, Trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải. Riêng đối với Ban Quản lý chợ thành phố Tuyên Quang phải nghiên cứu, xem xét sao cho hợp với thực tiễn, phát huy hiệu quả.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đồng tình với chương trình công tác năm 2022 của UBND tỉnh, HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đồng chí đề nghị các cơ quan văn phòng tiếp tục rà soát các nội dung cho phù hợp, đầy đủ, chặt chẽ để triển khai nhiệm vụ công tác hiệu quả nhất.
Gửi phản hồi
In bài viết