Dự hội thảo có: Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; lãnh đạo các bộ, ngành. Tham dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Hoàng Việt Phương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thị Thúy, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; Lê Thị Thanh Trà, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Các đại biểu dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, tác động của đại dịch đã làm thay đổi căn bản bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Mặc dù là một trong những ngành bị tác động nặng nề nhất nhưng du lịch lại là ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất sau đại dịch nếu có chiến lược và sự chuẩn bị đúng đắn. Hội thảo này là sự tiếp nối của các cơ quan của Quốc hội, làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và phát triển bền vững”, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn đưa du lịch phục hồi, phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị, gắn với chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2026.
Hội thảo nhằm đánh giá tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với ngành du lịch, cơ hội và thách thức đặt ra đối với du lịch Việt Nam; thảo luận về định hướng, giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam nhanh và bền vững; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ có giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp và người dân; cung cấp thông tin để các đại biểu Quốc hội quyết định những chính sách đột phá nhằm phục hồi và phát triển du lịch trong điều kiện bình thường mới.
Hội thảo đã nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng Covid-19 để phát triển du lịch. Đồng thời, đánh giá thực trạng du lịch Việt Nam dưới tác động của tình hình COVID-19 và nhận diện thời cơ, thách thức sau khi dịch bệnh kết thúc; đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi du lịch; đề xuất, kiến nghị các giải pháp dài hạn phát triển du lịch bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết