Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 tiếp tục chương trình làm việc và bế mạc

Trực tiếp- Chiều 14-4, Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ 9 tiếp tục làm việc, quán triệt triển khai một số văn bản; cho ý kiến vào Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025.

15h00: Bế mạc hội nghị

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu bế mạc hội nghị.

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, khắc phục hạn chế, thiếu sót, tình trạng trì trệ trong thực hiện nhiệm vụ; đổi mới, sáng tạo, quyết liệt hành động, tạo chuyển biến mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả các khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, các nghị quyết, chương trình, đề án... của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Cùng với với đó, rà soát toàn bộ các chỉ tiêu, nhiệm vụ quý I năm 2022 đạt còn thấp; tính toán, xác định giải pháp, lộ trình cụ thể để tổ chức thực hiện, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất. Đẩy nhanh thực hiện các công trình, dự án công nghiệp, giao thông, văn hóa trọng điểm của tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị tốt các điều kiện tiêm cho trẻ từ 5 tuổi đến 11 tuổi bảo đảm an toàn, hoàn thành trong quý II/2022; thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, các nhiệm vụ xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Đồng chí yêu cầu đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp bằng sự nêu gương, bằng tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa đối với công việc được giao, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Các đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đôn đốc tại ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời giải quyết những khó khăn, xử lý những vấn đề nảy sinh.

13h00: Quán triệt, triển khai các văn bản

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn quán triệt Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hoá, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực thông minh kết nối với khu vực và thế giới. Thể chế, chính sách về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững cơ bản được hoàn thiện. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang quán triệt Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược, địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Nghị quyết nhằm điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản bảo đảm cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu tin cậy về địa chất, khoáng sản, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tầm nhìn đến năm 2045 hoàn thành 100% việc lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000 đối với diện tích đất liền và tỷ lệ 1:500.000 trên biển.

Đồng chí Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Âu Thế Thái quán triệt Quy định số 58-QĐ/TW ngày 8/2/2022 của Bộ Chính trị “Một số vấn đề bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.

Quy định điều chỉnh bổ sung một số quy định trước đây, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ trong giai đoạn hiện nay, áp dụng với các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị. Quy định gồm 6 chương, 22 điều, với các nội dung chính như những vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn chính trị, việc xem xét, kết nạp người vào Đảng, việc xem xét bố trí cán bộ, đảng viên…

Đề án giảm nghèo bền vững tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2021-2025 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân từ 4%/năm trở lên; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu nhiệm kỳ; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4%/năm trở lên; đến năm 2023 không còn hộ nghèo có thành viên là đối tượng người có công với cách mạng… Các giải pháp giảm nghèo bền vững chủ yếu là hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo tín dụng ưu đãi phát triển kinh tế; hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định sinh kế, chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…

Đồng chí Chánh văn phòng Tỉnh ủy Nguyễn Văn Dưng thông báo Công điện số 304/CĐ-TTg ngày 7/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thị trường trái phiếu doanh nghiệp và đấu giá quyền sử dụng đất; Công điện số 307/CĐ-TTg ngày 8/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Đại biểu dự hội nghị.

Việt Hòa - Ngọc Hưng - Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục