Hội nghị về đại dương của Liên hợp quốc (lần thứ hai) đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của cộng đồng quốc tế.
Hội nghị về đại dương là một trong những hội nghị cấp cao quan trọng của Liên hợp quốc về phát triển liên quan đến biển và đại dương, nhằm kiểm điểm và đánh giá quá trình 5 năm thực hiện SDG 14 kể từ hội nghị lần thứ nhất năm 2017, đồng thời xác định các biện pháp và chương trình hành động cụ thể tiếp theo để đạt được các mục tiêu của SDG 14.
Tại hội nghị lần này, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đề xuất 4 kiến nghị nhằm khắc phục tình trạng khẩn cấp của đại dương hiện nay, gồm: Đầu tư vào kinh tế bền vững; sử dụng đại dương như là mô hình quản lý các vấn đề toàn cầu; bảo vệ đại dương và những người sống phụ thuộc vào đại dương; đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm để bảo vệ những cộng đồng ven biển.
Qua thảo luận, các ý kiến nêu rõ: Các đại dương bao phủ khoảng 70% diện tích bề mặt trái đất, giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu đối với sự sống trên đất liền, song đang phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng. Hiện nay, đại dương hấp thụ khoảng 25% khí thải CO2, khiến nước biển bị axít hóa; đồng thời hấp thụ hơn 90% lượng nhiệt dư thừa từ tình trạng trái đất ấm lên làm gia tăng các đợt sóng nhiệt.
Trong bối cảnh đó, khẳng định đại dương có vai trò quan trọng đối với hòa bình và an ninh, sức khỏe, môi trường và phát triển bền vững, sự thịnh vượng của các quốc gia, các tham luận kêu gọi thúc đẩy hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học biển và xây dựng nền kinh tế xanh bền vững để giảm thiểu, giải quyết những thách thức về đại dương, đồng thời nhấn mạnh đây là những thách thức xuyên biên giới và không một quốc gia riêng lẻ nào có thể tự mình giải quyết được. Quan điểm trên nhận được sự tán thành cao.
Phát biểu tại phiên toàn thể, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định tầm quan trọng của việc tập hợp sức mạnh cộng đồng quốc tế để ứng phó với các vấn đề môi trường. Về phần mình, trong chia sẻ tại hội nghị, Đoàn Việt Nam cũng đã kêu gọi tăng cường hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ, chia sẻ chuyên môn, nhất là cho các nước đang phát triển, tăng cường hàm lượng khoa học trong hoạch định và triển khai chính sách biển.
Hội nghị về đại dương của Liên hợp quốc năm 2022 cũng chứng kiến sự ra đời của ấn bản "Báo cáo Tình trạng đại dương" (StOR), tổng hợp những kiến thức cập nhật về tình trạng của các đại dương trên thế giới nhằm hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra các quyết định sáng suốt để bảo vệ đại dương và quy hoạch bền vững. Theo Thư ký điều hành của Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ (thuộc UNESCO) Vladimir Ryabinin, báo cáo giúp theo dõi một cách hiệu quả và kịp thời tiến trình Thập kỷ Đại dương Liên hợp quốc, góp phần thúc đẩy xã hội toàn cầu hành động hướng tới mục tiêu tạo lập “đại dương mà chúng ta cần, cho tương lai mà chúng ta mong muốn”.
Tuy không đưa ra các chính sách toàn cầu, nhưng những thảo luận và sáng kiến đưa ra tại Hội nghị về đại dương lần thứ hai đã góp phần thúc đẩy tiến trình xây dựng những chương trình nghị sự mạnh mẽ về đại dương. Đây sẽ là những tiền đề quan trọng cho Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP27) và Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) diễn ra vào cuối năm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết