Nhật Bản đang trải qua những ngày nắng nóng bất thường khiến nguy cơ thiếu điện tăng cao.
Phát biểu trong cuộc tranh luận với lãnh đạo các đảng phái khác vào ngày 3-7, Thủ tướng Kishida Fumio, người đang giữ chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tận dụng tối đa năng lượng hạt nhân”. Theo nhà lãnh đạo Nhật Bản, 4 lò phản ứng hạt nhân đã được cấp phép hoạt động trở lại sẽ được tận dụng hết khả năng để xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng, nhiều nhà máy điện hạt nhân sẽ được tái hoạt động để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang tăng cao, khi tình trạng nắng nóng này được dự báo sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới.
Cũng tại cuộc tranh luận này, các lãnh đạo của đảng Duy tân Nhật Bản (JIP) và đảng Dân chủ vì Nhân dân (DPFP) đối lập đã đề cập tới sự cần thiết phải tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân ở nước này. Những tuyên bố trên được đưa ra khi các nhà khí tượng học xác nhận, tháng 6 là tháng nóng nhất của Tokyo kể từ năm 1875 với nền nhiệt đo liên tục trên 35 độ C. Nắng nóng kéo dài, người dân được khuyến cáo sử dụng điều hòa nhiệt độ một cách hợp lý, thường xuyên bù nước và có thể bỏ khẩu trang nếu bảo đảm khoảng cách từ 2m khi giao tiếp.
Theo các chuyên gia, điều kiện thời tiết bất thường ở Nhật Bản sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong ít nhất hai tuần tới. Đợt nắng nóng cực đoan trong tháng 6 đã khiến nhu cầu tiêu thụ điện tại Nhật Bản tăng lên mức kỷ lục trong khi nguồn cung được dự kiến sẽ hạn hẹp trong suốt mùa hè này do nắng nóng kéo dài và các vấn đề về cơ sở hạ tầng. Trước áp lực lên lưới điện, Chính phủ đã kêu gọi các hộ gia đình, doanh nghiệp trong và xung quanh Tokyo hạn chế tiêu thụ năng lượng; kêu gọi người dùng tắt tất cả các thiết bị không cần thiết, đặc biệt là trong khoảng thời gian cao điểm 15h-18h...
Cuộc khủng hoảng điện diễn ra khi các quốc gia trên thế giới đang đánh giá lại nhu cầu đối với các nhà máy hạt nhân sau khi Nga bị hạn chế xuất khẩu khí đốt do cuộc xung đột ở Ukraine. Trước khi trận động đất và sóng thần vào tháng 3-2011 phá hủy Nhà máy hạt nhân Fukushima Daiichi, 54 lò phản ứng đang hoạt động trên khắp Nhật Bản, đáp ứng 30% nhu cầu điện của cả nước. Tuy nhiên, thảm họa này là một đòn giáng mạnh vào danh tiếng của ngành điện hạt nhân, dẫn đến việc gia tăng sự ngờ vực và bất an đối với nguồn năng lượng này. Nhật Bản đã phải đóng cửa tất cả các nhà máy điện hạt nhân sau thảm họa và buộc phải quay trở lại nhập khẩu dầu, than và khí đốt tự nhiên để đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia trong những năm qua.
Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, Chính phủ của ông sẽ "tăng tốc đánh giá” các biện pháp an toàn mới cho các nhà máy điện hạt nhân, với ý định đưa nhiều lò phản ứng vào hoạt động càng sớm càng tốt. Tính đến tháng 6-2022, 10 lò phản ứng hạt nhân tại 6 nhà máy điện đã được chuẩn bị để khởi động lại ở Nhật Bản nhưng hiện chỉ có 4 lò đang hoạt động.
Việc ngừng sản xuất điện hạt nhân đã khiến Nhật Bản ngày càng phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi nước này cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với tình hình năng lượng toàn cầu đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ do cuộc xung đột Nga - Ukraine, liên minh cầm quyền Nhật Bản đang nghiêng về ý tưởng sử dụng nhiều hơn năng lượng hạt nhân, trước cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng vào ngày 10-7 tới.
Gửi phản hồi
In bài viết