Hội nghị Ngoại trưởng các nước NATO: Đưa liên minh vượt qua thách thức

Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vừa diễn ra theo hình thức trực tiếp tại Brussels (Bỉ) trong hai ngày 23 và 24-3. Một loạt vấn đề nóng, vốn đã bị ngưng trệ trong suốt thời gian qua do đại dịch Covid-19 như: Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030, tình hình Afghanistan, an ninh trên toàn khu vực Trung Đông và Bắc Phi… đã được 30 nhà ngoại giao của NATO thảo luận nhằm sớm đưa liên minh vượt qua mọi thách thức.


Quang cảnh Hội nghị Ngoại trưởng các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tại Brussels (Bỉ).

Sau hai ngày nhóm họp, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các Ngoại trưởng đã có một cuộc thảo luận rất tích cực về Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030, đặc biệt là cách liên minh có thể tiếp tục thích ứng với một môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng, với các mối đe dọa gia tăng, cạnh tranh mang tính hệ thống, những thay đổi lớn trong cán cân quyền lực toàn cầu và những thách thức ngày càng tăng đối với các quy tắc trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Trên thực tế, cả Mỹ và châu Âu đều muốn chứng minh rằng NATO đã sẵn sàng bỏ lại phía sau 4 năm vô cùng sóng gió và chia rẽ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump để tìm kiếm một động lực mới, nhất là khi khối này công bố Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030, đề ra các cấu trúc chính trị và ưu tiên hành động trong 10 năm tới.

Nước Mỹ đang thể hiện rõ ràng ý định tạo lập một liên minh toàn cầu, bảo vệ vị trí thống trị của nước này trước sự vươn lên nhanh chóng và cạnh tranh gắt gao của một số cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự. Vì thế, chắc chắn NATO sẽ bị kéo vào cuộc cạnh tranh địa chính trị này.

Sáng kiến NATO tầm nhìn 2030 được ban hành từ ngày 25-11-2020, đưa ra 138 đề xuất theo 14 nhóm vấn đề, tập trung vào 3 mục tiêu cốt lõi: Tăng cường sự đoàn kết và gắn bó của đồng minh, đồng thời củng cố vị trí trung tâm của mối liên kết xuyên Đại Tây Dương; tăng cường tham vấn và phối hợp chính trị giữa các nước đồng minh trong NATO; tăng cường vai trò chính trị của NATO cũng như các công cụ liên quan để giải quyết các mối đe dọa hiện tại và tương lai.

Về Afghanistan, các Ngoại trưởng của 30 nước thành viên NATO nhấn mạnh sự ủng hộ mạnh mẽ đối với tất cả các nỗ lực nhằm phục hồi tiến trình hòa bình. Bởi vì, một giải pháp được đưa ra thông qua đàm phán là cách duy nhất để đạt được nền hòa bình bền vững, ngăn Afghanistan trở thành cơ sở cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Hiện, tình hình Afghanistan được đánh giá là một bài toán "cân não" của NATO.

Việc NATO rút quân khỏi Afghanistan theo kế hoạch sẽ được thực hiện từ tháng 5-2021, tức là chỉ hơn 1 tháng nữa. Nhưng điều kiện quan trọng nhất cho việc rút quân là thỏa thuận hòa bình giữa Taliban và Chính phủ Afghanistan vẫn chưa thể hoàn tất, dù hai bên đã chính thức đàm phán từ tháng 9-2020. Vì thế, khả năng hơn 10.000 binh sĩ các nước NATO rút khỏi Afghanistan sau hơn 2 thập niên can thiệp quân sự vào đây là một dấu hỏi lớn, đặc biệt trong bối cảnh bạo lực có dấu hiệu leo thang tại Afghanistan trong thời gian qua. Các nhà phân tích nhận định, cho dù kế hoạch rút quân này có thực hiện được theo lịch trình hay không cũng sẽ đặt ra nhiều thách thức đối với liên minh quân sự này.

Quan hệ giữa Mỹ và NATO đã không mấy suôn sẻ và bị tổn thương dưới thời cựu Tổng thống D.Trump, người vẫn luôn cho rằng liên minh này đã lỗi thời, đồng thời chỉ tập trung vào mục tiêu buộc các đồng minh “phải đóng góp một cách công bằng”. Việc chính quyền Mỹ thay đổi quan điểm dưới thời Tổng thống Joe Biden đã nhận được sự hoan nghênh của các đồng minh châu Âu khi cho rằng đây là cơ hội tuyệt vời để bắt đầu một chương mới trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Điều này cũng có thể giúp NATO giải quyết hiệu quả các thách thức mà liên minh hơn 70 năm tuổi đang phải đối mặt.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục