Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU: Tìm giải pháp ứng phó dịch Covid-19

Trong hai ngày 25 và 26-3, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã có cuộc họp trực tuyến nhằm tìm ra phương hướng chung thoát khỏi đại dịch Covid-19 khi làn sóng lây nhiễm thứ ba đang tấn công nhiều quốc gia trong khu vực. Trong đó, giải pháp tăng cường nguồn cung vắc xin và đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng là một trong những nội dung thu hút nhiều sự quan tâm, thảo luận nhất.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chủ trì Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến EU

Đây là lần thứ 11 các nhà lãnh đạo của khối nhóm họp thượng đỉnh bằng hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều quốc gia thành viên như: Đức, Pháp, Italia… đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm tồi tệ, buộc chính phủ các nước cân nhắc thắt chặt thêm các biện pháp phong tỏa, giãn cách xã hội khi tình hình dịch bệnh có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát và gây ra cuộc suy thoái kinh tế sâu sắc nhất từ trước đến nay trong khối.

Là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, các quốc gia EU đã lên kế hoạch tiêm chủng từ năm 2020. Mặc dù vậy, chương trình tiêm chủng vắc xin của EU đang có tốc độ triển khai chậm hơn so với một số nước phương Tây khác như: Mỹ, Anh… Trong thư mời gửi tới lãnh đạo các nước EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của EU là đẩy nhanh các chiến dịch tiêm chủng. Để đạt được mục tiêu này, EU cần thúc đẩy các hoạt động sản xuất, tăng cường cung ứng vắc xin, bảo đảm tính minh bạch trong phân phối…

Trước những thách thức về nguồn cung vắc xin, trước thềm hội nghị, EU cảnh báo có thể cấm xuất khẩu vắc xin phòng Covid-19 với lượng nhất định. Tại cuộc họp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ thất vọng về chương trình tiêm chủng chậm chạp của khối, trong bối cảnh vắc xin phân phối không đồng đều và các quốc gia bị chia rẽ về việc liệu có nên đưa ra giải pháp cứng rắn hơn đối với xuất khẩu vắc xin hay không. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định, các nước EU tôn trọng chuỗi cung ứng toàn cầu và muốn chống lại chủ nghĩa bảo hộ, song cũng muốn bảo vệ người dân của mình bởi đây là cách để thoát khỏi khủng hoảng.

Theo Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, khoảng 77 triệu liều vắc xin từ khối này đã được xuất khẩu sang 33 quốc gia kể từ ngày 1-12-2020. EU cũng là “nhà tài trợ” hàng đầu của Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin Covid-19 (COVAX). Trong một bài phát biểu tại Tây Ban Nha, Cao ủy Thị trường nội khối EU Thierry Breton tuyên bố, với 52 nhà máy tham gia hoạt động trên khắp châu lục, châu Âu phải đặt mục tiêu dẫn đầu thế giới về sản xuất vắc xin phòng Covid-19 vào cuối năm nay.

Sau 2 ngày thảo luận, Chủ tịch Hội đồng châu Âu C.Michel cho biết, các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường năng lực sản xuất, phân phối và triển khai vắc xin ở khu vực, hướng tới đẩy mạnh hiệu quả của các chương trình tiêm chủng. EU nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và việc sử dụng giấy phép xuất khẩu, đồng thời tái khẳng định, các công ty phải tôn trọng thời gian giao hàng theo hợp đồng. EU cũng xác nhận vai trò then chốt của việc phân bổ đồng đều vắc xin theo dân số.

Do tình hình dịch tễ vẫn nghiêm trọng và trước những thách thức từ các biến chủng vi rút SARS-CoV-2, các nhà lãnh đạo EU nhất trí rằng các biện pháp hạn chế phải được duy trì trong thời gian tới song song với việc dòng chảy hàng hóa và dịch vụ không bị cản trở. EU cũng cho rằng, nhìn về tương lai xa hơn, nên bắt đầu một cách tiếp cận chung và có sự phối hợp đồng bộ để dỡ bỏ dần các hạn chế khi tình hình cho phép. Vai trò của EU trong nỗ lực ứng phó toàn cầu với đại dịch Covid-19 cũng được nhấn mạnh, trong đó việc thiết lập cơ chế chia sẻ vắc xin phải được tiến hành nhanh chóng để bổ sung và hỗ trợ cho vai trò hàng đầu của COVAX.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục