Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị quốc tế Paris về Libya tại buổi họp báo sau sự kiện.
Dưới sự chủ trì của Tổng thống E.Macron, hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ 30 quốc gia, gồm Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Italia Mario Draghi, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres…
Trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng mà tất cả các bên liên quan của Libya phải cam kết trong việc tổ chức cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội tự do, công bằng, toàn diện và đáng tin cậy cho nước này vào ngày 24-12-2021.
Hội nghị bày tỏ sự ủng hộ hoàn toàn đối với "Kế hoạch hành động toàn diện để rút lính đánh thuê, chiến binh nước ngoài và lực lượng nước ngoài khỏi lãnh thổ Libya". Tuyên bố cũng tái khẳng định tôn trọng và cam kết hoàn toàn với chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất quốc gia của Libya, bác bỏ mọi sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Tripoli.
Kể từ khi nhà lãnh đạo độc tài Muammar Gaddafi bị lật đổ trong cuộc nổi dậy năm 2011, quốc gia dầu mỏ này đã sa lầy vào cuộc nội chiến giữa các phe phái và nhóm vũ trang ở Libya, cũng như các cường quốc trong khu vực. Nhờ vai trò trung gian của Liên hợp quốc trong nỗ lực thúc đẩy hòa bình, tình hình Libya thời gian qua đã có bước tiến triển quan trọng, khi các bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn dài hạn vào tháng 10-2020, thành lập Chính phủ thống nhất dân tộc (GNU) tháng 3-2021 và nhất trí lộ trình bầu cử, dự kiến ngày 24-12 tới.
Đầu tuần này, Libya đã mở đăng ký cho các ứng cử viên tranh cử tổng thống, với các ứng cử viên tiềm năng bao gồm: Khalifa Haftar, Tư lệnh Quân đội Quốc gia Libya (LNA); Saif al-Islam Gaddafi, con trai của cố lãnh đạo M.Gaddafi; người đứng đầu Quốc hội Aguila Saleh và cựu Bộ trưởng Nội vụ Fathi Bashagha. Cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội là những phần cốt lõi trong kế hoạch của Liên hợp quốc nhằm giúp khôi phục sự ổn định ở quốc gia này. Tuy nhiên, các kế hoạch trên cũng đang phải chịu nhiều áp lực khi căng thẳng tiếp tục gia tăng giữa các phe đối địch.
Trên thực tế, những vấn đề chưa được giải quyết về luật bầu cử và các tranh chấp vẫn tiếp diễn giữa các nhóm và các thực thể chính trị ở miền Đông và miền Tây Libya. Những vấn đề tranh chấp bao gồm các quy tắc liên quan đến lịch trình bầu cử và ai được phép tham gia vào quá trình này. Thậm chí, có những lo ngại rằng một số phe phái sẽ không công nhận kết quả của các cuộc thăm dò, đặc biệt là những người Hồi giáo. Điều này có thể đe dọa phá hỏng tiến trình hòa bình rộng lớn do Liên hợp quốc làm trung gian.
Những trở ngại khác là sự hiện diện của hàng nghìn chiến binh và quân đội nước ngoài cố thủ ở Libya nhân danh các lợi ích ủy nhiệm dọc theo chiến tuyến bất chấp lệnh ngừng bắn. Liên hợp quốc ước tính đã có ít nhất 20.000 chiến binh và lính đánh thuê nước ngoài ở Libya trong vài năm qua, bao gồm cả người Nga, người Syria, người Thổ Nhĩ Kỳ, người Sudan...
Dẫu vậy, ông Tarek Megerisi, một chuyên gia về Libya tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của châu Âu, nhận định trên tờ Foreign Policy rằng, cho dù thời điểm bầu cử có hợp lý hay không, mong muốn thay đổi một chính quyền mới vẫn mạnh mẽ ở người dân Libya. Thành công của cuộc bầu cử sẽ đánh dấu một bước ngoặt lớn trong lịch sử của đất nước này, là đoàn kết một xã hội bị chia rẽ và hợp nhất các thể chế bị chia cắt cả thập kỷ qua để cùng phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết