Thỏa thuận về “đoàn kết và ổn định” đạt được vào thời điểm lãnh đạo các nước GCC gồm Bahrain, UAE, Qatar, Kuwait, Oman và Saudi Arabia tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GCC lần thứ 41, khai mạc ngày 5-1 tại Saudi Arabia. Cuộc gặp thượng đỉnh được Thái tử nước chủ nhà Mohammed bin Salman nhận định là dịp đoàn kết các nước với nhau để giải quyết những thách thức mà khu vực đang đối mặt. Đây cũng là lần đầu tiên Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani tham dự hội nghị GCC kể từ năm 2017. Sự xuất hiện của ông tại Saudi Arabia cùng màn bắt tay nồng ấm với Thái tử Mohammed bin Salman ngay tại sân bay Al-Ula được truyền thông địa phương phát trực tiếp đã cho thấy tầm quan trọng của sự kiện.
Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GCC với mong muốn tăng cường
đoàn kết tại khu vực vùng Vịnh.
Trước đó, vào tháng 6-2017, liên minh gồm 4 quốc gia Arab do Saudi Arabia dẫn đầu đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao và các đường liên kết vận tải với Qatar, với cáo buộc Doha hậu thuẫn cho các nhóm Hồi giáo cực đoan dù chính quyền Doha kiên quyết phủ nhận. Căng thẳng leo thang với việc các nước Arab vùng Vịnh đưa ra yêu sách 13 điểm, tuy nhiên, không yêu cầu nào được Qatar thực hiện.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất tại khu vực kể từ năm 1991 này đã gây ra những tác động tiêu cực với thương mại, tài chính, đầu tư. Dù chỉ có 2 triệu người nhưng Qatar lại là nước xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng hàng đầu thế giới. Cơ quan đầu tư Qatar nắm giữ số cổ phần lớn trong các công ty quan trọng của phương Tây như Volkswagen hay Barclays, đồng thời cũng đầu tư vào các tài sản có giá trị trên khắp hành tinh. Trong khi đó, Saudi Arabia - nền kinh tế lớn nhất Trung Đông lại là “người canh giữ” biên giới trên đất liền duy nhất của Qatar. Biên giới trên bộ mà Qatar dựa vào để nhập khẩu các sản phẩm sữa, vật liệu xây dựng và các hàng hóa khác đã gần như bị đóng cửa.
Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan al-Saud cho biết, tại Hội nghị Thượng đỉnh GCC, nước này và 3 đồng minh Arab đã nhất trí khôi phục quan hệ với Doha. Trong đó, Saudi Arabia, UAE, Bahrain sẽ dỡ bỏ cấm vận giao thương, tái mở cửa không phận cũng như đường biên giới trên biển và trên bộ với Qatar. Quyết định mở cửa biên giới là bước quan trọng đầu tiên giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao gây chia rẽ các quốc gia vùng Vịnh. Ngay trước thềm hội nghị, Saudi Arabia và Qatar cũng đã nhất trí khai thông trở lại các hoạt động biên giới với hy vọng khép lại rạn nứt kéo dài 3 năm qua, một động thái mà Tổng Thư ký GCC Nayef Mubarak Al-Hajraf hoan nghênh là nỗ lực chân thành để mang lại thành công cho sự kiện.
Giới quan sát cũng cho rằng, đây là những phát triển mới trong tiến trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ đang nỗ lực tìm kiếm, giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng ngoại giao đã gây chia rẽ sâu sắc giữa các đối tác quốc phòng của Mỹ vào thời điểm chính quyền Tổng thống Donald Trump đang muốn hợp lực để gây sức ép với Iran. Động thái hòa giải diễn ra chỉ vài tuần sau khi Cố vấn cấp cao Nhà Trắng Jared Kushner đến thăm Saudi Arabia và Qatar để bảo đảm thúc đẩy các thỏa thuận ngoại giao trong khu vực.
Dù vẫn còn những mâu thuẫn nội tại liên quan đến tôn giáo, sắc tộc song kết quả quan trọng đạt được tại hội nghị của GCC là diễn biến đáng hoan nghênh và mang tính bước ngoặt trên con đường hóa giải thế đối đầu giữa các nước trong khu vực. Việc này mở ra cơ hội chấm dứt cuộc khủng hoảng dai dẳng và gây tổn hại cho các bên liên quan.
Gửi phản hồi
In bài viết