Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi: Mở lộ trình hợp tác mới

Ngày 13-12, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi đã khai mạc tại thủ đô Washington (Mỹ) với sự góp mặt của gần 50 nhà lãnh đạo các nước châu Phi. Dự kiến, trong 3 ngày diễn ra hội nghị, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ công bố nhiều sáng kiến quan trọng nhằm thu hẹp khoảng cách, tạo dựng niềm tin, mở lộ trình hợp tác mới với châu lục này.

Đây là lần thứ hai trong vòng 8 năm qua, Mỹ tổ chức hội nghị thượng đỉnh với các nước thuộc Lục địa đen. Tiếp nối những chính sách được người tiền nhiệm Barack Obama đưa ra năm 2014, Tổng thống Joe Biden sẽ tập trung vào các ưu tiên nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thúc đẩy hòa bình và an ninh, giải quyết các thách thức như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu. Điều này thể hiện cam kết lâu dài, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ Mỹ - châu Phi đối với các vấn đề ưu tiên chung toàn cầu.

Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Joe Biden đã thể hiện quan điểm rõ ràng, ủng hộ việc dành một ghế cho châu Phi trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cũng tại hội nghị thượng đỉnh lần này, ông chủ Nhà Trắng sẽ kêu gọi Liên minh châu Phi chính thức gia nhập Nhóm 20 nền kinh tế lớn trên thế giới (G20). Bên cạnh đó, nội dung khác đáng chú ý là phiên thảo luận về Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi (AGOA) dự kiến hết hạn vào năm 2025. Tại đây, các Bộ trưởng Thương mại sẽ cung cấp một nền tảng để mở rộng AGOA, bao gồm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư hai chiều, hỗ trợ hội nhập kinh tế khu vực và chia sẻ quan điểm về các vấn đề quan trọng khác cùng quan tâm ảnh hưởng đến hợp tác thương mại Mỹ - châu Phi.

Ngoài ra, nhằm củng cố quan hệ thương mại và đầu tư trong tương lai, hội nghị cũng bàn thảo về sự tham gia của Mỹ vào Hiệp định Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AFCFTA), thúc đẩy an ninh lương thực và tăng cường đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng, y tế, năng lượng tái tạo của Lục địa đen. Tầm quan trọng của châu Phi đối với thương mại và đầu tư toàn cầu sẽ tăng lên đáng kể khi dân số châu Phi dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 lên 2,5 tỷ người, chiếm hơn 1/4 dân số thế giới, với thị trường kinh doanh và tiêu dùng trị giá 16 nghìn tỷ USD.

Châu Phi đang trong quá trình trở thành thị trường chung lớn nhất thế giới thông qua việc triển khai AFCFTA, khi một số quốc gia đã ban hành các cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư tư nhân. Những cải cách và hài hòa theo AFCFTA sẽ giúp các công ty châu Phi ngày càng cạnh tranh hơn và thúc đẩy sự hội nhập của họ vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Các quốc gia châu Phi đang nhắm mục tiêu nỗ lực phát triển các ngành công nghiệp vốn thuộc thế mạnh của Mỹ bao gồm ô tô, dược phẩm, năng lượng và công nghệ thông tin… Điều này sẽ giúp thu hút vốn đầu tư từ nền kinh tế số một thế giới.

Theo các nhà bình luận, kể từ sau Chiến tranh lạnh, Mỹ đã nhiều lần đưa ra sáng kiến, chiến lược đối với châu Phi nhưng sự quan tâm và nỗ lực của Mỹ dành cho châu Phi vẫn chưa đủ để có thể gây dựng một niềm tin mạnh mẽ và tầm ảnh hưởng đáng kể. Trong lĩnh vực thương mại, năm 2021, tổng giá trị thương mại của Mỹ với châu Phi đạt khoảng 58 tỷ USD. Các cam kết của Washington đối với lục địa này được cho là còn khá khiêm tốn trong bối cảnh thế giới đầy biến động, nhất là cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường quốc đang ngày càng khốc liệt. Trong khi đó, từ năm 2014, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở châu Phi. Nga cũng ngày càng nâng cao sức ảnh hưởng tại Lục địa đen.

Chính vì vậy, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ mở ra lộ trình hợp tác mới có hiệu quả và thực chất hơn.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục