Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương

- Ngày 5-1, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Chính phủ và chính quyền địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các hiệp hội, tập đoàn kinh tế.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang có các đồng chí: Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố.

Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ, tình hình kinh tế, xã hội năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đã cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Một số chỉ tiêu quan trọng đạt cao nhất trong nhiều năm qua như vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư công dự báo đạt 95% kế hoạch, số tuyệt đối cao hơn 146 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước vượt 8,2% dự toán...

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

An sinh xã hội và đời sống người dân được cải thiện; phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh; quốc phòng, an ninh được tăng cường, củng cố. Đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt kết quả toàn diện, nổi bật; uy tín, vị thế của đất nước và niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước được củng cố và nâng lên.

Từ thực tiễn công tác lãnh đạo quản lý, chỉ đạo điều hành có thể khẳng định đạt những kết quả nêu trên là nhờ sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, chủ động, kịp thời, sát thực tiễn, có hiệu quả của Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự ủng hộ, tham gia tích cực của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.

Thường trực các Huyện ủy dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Tại hội nghị, các đại biểu nghe báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm 2024; tiến hành thảo luận, tập trung vào những nội dung được Thủ tướng Chính phủ gợi mở, nêu lên những kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành từ thực tiễn của địa phương, doanh nghiệp trong quá trình “vượt qua cơn gió ngược” để phát triển. Trên cơ sở đó bổ sung, hoàn thiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn trong năm 2024 và những năm tới.

Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Phạm Minh Chính, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, năm 2024- Năm bứt phá thực hiện các mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025 nhưng dự báo tình hình tiếp tục đan xen thời cơ, thách thức. Đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ xác định chủ trương điều hành đó là “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả, bền vững”.

Đại biểu các sở, ngành tỉnh dự hội nghị. Ảnh: Thanh Phúc

Trong đó, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt 6-6,5%; giữ ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát 4-4,5%, bảo đảm cân đối lớn; giữ ổn định giá trị đồng Việt Nam; tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%; kiểm soát chặt chẽ bội chi.

Đồng thời thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, chất lượng, sức cạnh tranh; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế... Trước mắt đảm bảo để ai cũng có Tết, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các địa phương quan tâm, chăm lo cho người dân, đặc biệt là gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn...

Tin, ảnh: Thanh Phúc

Tin cùng chuyên mục