Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam vào tháng 10 năm 2020. Đến ngày 25-5, dịch bệnh đã xảy ra trên 2.300 xã của 32 tỉnh, thành phố với trên 60.000 con gia súc mắc bệnh và gần 10.000 con gia súc chết, tiêu hủy. Đây là bệnh truyền nhiễm do vi rút gây ra trên trâu, bò, vi rút không lây sang người. Bệnh lây truyền chủ yếu qua côn trùng đốt hoặc vận chuyển trâu, bò mang mầm bệnh và qua trực tiếp xúc trực tiếp. Trâu, bò mắc bệnh có triệu chứng sốt cao, bỏ ăn, giảm tiết sữa, da và niêm mạc nổi sẩn…
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện tại tỉnh Tuyên Quang từ ngày 23-4-2021. Đến nay toàn tỉnh có 62 xã của 6/7 huyện, thành phố với gần 400 con trâu bò mắc bệnh viêm da nổi cục, trong đó có 22 con chết.
Tỉnh đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng chống bệnh; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thực hiện các biện pháp giám sát chặt chẽ, đảm bảo phát hiện ngay khi trâu bò mắc bệnh; triển khai các biện pháp phòng chống dịch tại các hộ, cơ sở chăn nuôi; phun thuốc khử trùng, tiêm gần 12.000 liều vắc xin cho đàn trâu bò; tăng cường công tác quản lý kiểm soát vận chuyển, giết mổ gia súc….
Để phòng chống dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương cần tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y; bố trí kinh phí để tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm; tổ chức giám sát, phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, không để lây lan diện rộng; hướng dẫn chủ chăn nuôi trâu, bò tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêu độc, khử trùng; tuyên truyền sâu rộng về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp…
Gửi phản hồi
In bài viết