Lời giải cho bài toán tích tụ đất đai, sản xuất quy mô lớn

- Tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn nhằm đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc tích tụ ruộng đất hình thành cánh đồng lớn đang gặp phải rất nhiều khó khăn.

Thực trạng

Gần 2 năm đi vào hoạt động, HTX dược liệu Thuận Hằng, xã Thái Sơn (Hàm Yên) chưa thể tích tụ được diện tích đất như mong muốn để đầu tư phát triển trồng cây dược liệu quy mô lớn. Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX cho biết, HTX có 4,1 ha cây cát sâm, sâm bố chính và khôi nhung, diện tích tập trung nhất cũng chỉ được 0,5 ha còn lại là rải rác trên địa bàn 2 xã Thái Sơn và Thái Hòa. Theo ông Thuận, trồng phân tán nên việc theo dõi, hướng dẫn các thành viên chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại gặp nhiều trở ngại, chưa nói đến chi phí gia tăng do phải thuê xe vận chuyển vật tư, sản phẩm đi chế biến, tiêu thụ…

Tương tự, HTX chăn nuôi gia cầm Minh Tâm, xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cánh đồng lớn sản xuất dưa chuột cung ứng vào các siêu thị, bếp ăn tập thể tại Hà Nội và chế biến dưa xuất khẩu. Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc HTX cho biết, không tìm được đất nên buộc HTX phải đang liên kết với 20 nhóm hộ trồng 60 ha dưa chuột trên địa bàn các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Na Hang và Chiêm Hóa. Ông Phúc cho rằng, không thể tích tụ được ruộng đất, ông đã xoay hướng sang tích tụ sản phẩm bằng cách liên kết hợp tác sản xuất với các nhóm hộ. Cách làm này giúp HTX đảm bảo số lượng sản phẩm cung ứng cho bạn hàng, tuy nhiên cái khó hiện nay là trình độ canh tác của bà con không đồng đều kéo theo chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, ngoài ra là tình trạng một số bà con không thực hiện đúng  cam kết, khi thị trường tiêu thụ thuận lợi là tuồn bán ra ngoài cho thương lái gây thất thoát cho HTX.


Người dân xã Ninh Lai (Sơn Dương) dồn điền đổi thửa tạo cánh đồng lớn để thuận lợi ứng dụng cơ giới hóa
giải phóng sức lao động của con người.

Chi nhánh Công ty TNHH Một thành viên bò sữa Việt Nam - Trang trại bò sữa Tuyên Quang, phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) với quy mô chăn nuôi 2.000 con bò, trong đó có trên 1.000 con đang cho khai thác sữa. Mặc dù đi vào hoạt động trên 10 năm, song đến thời điểm này trang trại mới chỉ tích tụ được 5 ha đất để trồng cây làm thức ăn cho đàn bò. Không tích tụ được đủ diện tích đất nên trang trại đang phải ký hợp đồng với 50 hộ dân quanh khu vực để trồng 35 ha cỏ làm thức ăn cho đàn bò. Tuy nhiên, diện tích cỏ này cũng không thể đủ, chủ yếu là để dự phòng, còn trang trại vẫn phải hợp đồng với các đầu mối đi thu gom mua cây ngô non ở khắp các địa phương trong tỉnh với giá 8 trăm  đến 1 triệu đồng/tấn làm thức ăn cho bò.

Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh có trên 92.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có gần 90.000 ha đất thuộc quyền sở hữu của hộ gia đình, cá nhân, chỉ có trên 2.000 ha của tổ chức kinh tế. 

Nguyên nhân và lời giải

Khó tích tụ được ruộng đất nông nghiệp một phần là do giá đất đền bù đất nông nghiệp rất thấp nên người nông dân không mặn mà chuyển nhượng. Tại nhiều địa phương, lực lượng lao động đã thoát ly đi làm việc tại nhà máy, các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh nhưng nhất quyết không chuyển nhượng đất cho bất kỳ tổ chức, cá nhân có nhu cầu. Lý do mà bà con đưa ra là phải có mảnh đất “cắm dùi” mới an toàn.

Tâm lý chung của người dân cộng với Luật Đất đai 2013 với những quy định có tính ràng buộc đang gây ra những khó khăn trong quá trình tích tụ ruộng đất trên địa bàn tỉnh. Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu ý kiến, đối với đất công điền, UBND xã chỉ được phép cho thuê thời gian tối đa 5 năm theo Khoản 5, Điều 126, Luật Đất đai năm 2013 nên không khuyến khích được doanh nghiệp đầu tư sản xuất mang tính chất lâu dài và bền vững. Thêm nữa, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Khoản 1,2 và 3, Điều 129 quá thấp nên ảnh hưởng đến sự tích tụ, dồn ghép ruộng đất tổ chức sản xuất quy mô lớn....

Theo bà Hoàn, để tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện ứng dụng cơ giới hóa mở rộng quy mô sản xuất, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai. Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân... nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Nhà nước nên quy hoạch đất nông nghiệp theo hai hướng: Quy hoạch cứng và quy hoạch mềm. Quy hoạch cứng là Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất không được phép chuyển đổi mục đích sử dụng; quy hoạch mềm là Nhà nước đưa ra những vùng, những loại đất có tính tương đồng để người dân có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất linh hoạt theo tín hiệu thị trường. Ngoài ra, với sự hỗ trợ của Nhà nước, cần vận động nông dân cùng tham gia với các hình thức: Nông dân góp vốn bằng diện tích ruộng đất, doanh nghiệp kinh doanh và chính nông dân là công nhân lao động hoặc doanh nghiệp ký kết hợp đồng với nông dân, nông dân vẫn là chủ thể trong quá trình sản xuất nhưng có sự giám sát của doanh nghiệp. 

Trên thực tế, Công ty cổ phần Chè Mỹ Lâm (Yên Sơn) đã thực hiện mô hình liên kết để tích tụ ruộng đất đem lại hiệu quả kinh tế rất cao cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Người dân quanh khu vực góp vốn với công ty bằng diện tích đất trồng chè và công lao động, công ty có tiến bộ khoa học kỹ thuật, dây chuyền chế biến và thị trường tiêu thụ, lợi ích kinh tế chia đôi theo hướng cùng có lợi. Sự bắt tay trong sản xuất giữa công ty và người nông dân được duy trì và ngày càng bền chặt đã đem lại hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. 

Tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao đều phải bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và nông dân. Đây là yếu tố tạo chuỗi liên kết giữa các bên để hoạt động hiệu quả, bền vững.   

Bài, ảnh: Đoàn Thư    

Tin cùng chuyên mục