Ngày 13-4, con bò của hộ ông Vũ Xuân Đông, xã Tú Thịnh (Sơn Dương) kém ăn, sốt cao, người nổi sẩn có biểu hiện bệnh viêm da nổi cục. Mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm cho kết quả dương tính với bệnh viêm da nổi cục. Qua công tác kiểm tra của cơ quan chuyên môn tại một số xã trên địa bàn huyện cũng có triệu chứng tương tự và ghi nhận thêm những trường hợp trâu, bò mắc bệnh. Đến nay dịch bệnh đã xuất hiện trên địa bàn 23 xã, thị trấn. Ông Hoàng Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Sơn Dương cho biết, trung tâm cử cán bộ rà soát, thực hiện cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh, đồng thời thực hiện việc nuôi nhốt gia súc tại các khu vực có bệnh hoặc nghi mắc bệnh; tiến hành phun thuốc khử trùng chuồng trại.
Bò của người dân xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) bị bệnh viêm da nổi cục.
Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được ghi nhận tại 9 xã trên địa bàn huyện Chiêm Hóa với 42 con mắc bệnh. Ông Hà Doãn Đạo, thôn Thượng Quang, xã Xuân Quang cho biết, thời gian gần đây phát hiện trên da bê con của gia đình có các nốt sần sùi. Ông Tuyên đã báo cho chính quyền địa phương, đề nghị các cơ quan chuyên môn huyện lấy mẫu xét nghiệm và xác định bệnh viêm da nổi cục.
Chỉ trong thời gian ngắn dịch viêm da nổi cục đã được ghi nhận tại 62 xã trên địa bàn 6/7 huyện với 388 con bò mắc bệnh làm chết 22 con bò. Ngay sau khi dịch bệnh phát sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp UBND các huyện tiến hành tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện đúng, hiệu quả các biện pháp phòng, chống và hướng dẫn cách xử lý khi có trâu, bò bị nhiễm bệnh viêm da nổi cục. Đồng thời, phân công cán bộ thú y cơ sở thường xuyên sâu sát nắm bắt tình hình dịch bệnh, đồng thời phát hiện sớm các ổ dịch, bao vây dập tắt dịch ngay khi mới phát sinh, kiên quyết không để lây lan ra diện rộng; tập trung chỉ đạo tiêm phòng bổ sung đối với đàn trâu, bò mới tái đàn hoặc chưa được tiêm phòng. Chính quyền địa phương đã vận động người dân thường xuyên vệ sinh, phun thuốc diệt côn trùng chuồng trại tại khu vực chăn nuôi, nơi có nguy cơ cao mắc bệnh, nơi buôn bán gia súc, gia cầm và các phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi theo đúng quy định, kiên quyết không để dịch bệnh lây lan rộng trên địa bàn.
UBND tỉnh đã hỗ trợ hơn 15.000 lít thuốc khử trùng cho các địa phương có dịch. Một số cơ sở chăn nuôi bò sữa, bò thịt lớn trên toàn tỉnh đã chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho đàn vật nuôi với 11.706 liều. Tuy nhiên, theo ông Đào Duy Quý, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay vắc xin phòng dịch viêm da nổi cục mới có và chưa được bán đại trà nên cần phải có thời gian tiếp cận. Việc cần làm lúc này là kiểm soát chặt việc vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn; công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi phải được thực hiện thường xuyên, tăng cường các biện pháp diệt vật chủ trung gian truyền bệnh như phun thuốc diệt muỗi, ve, mòng…
Trong thời gian tới, dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục lây lan trên địa bàn tỉnh do bệnh chưa có thuốc điều trị, tỷ lệ trâu, bò được tiêm phòng vắc xin thấp, nhiều người chăn nuôi chưa nắm được thông tin về dịch bệnh. Hơn nữa, hiện đang là giai đoạn thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều thuận lợi cho ruồi, muỗi, ve, mòng sinh sôi. Do đó, mỗi hộ chăn nuôi cần thực hiện vệ sinh chuồng trại, khử trùng, tiêm phòng vắc xin đầy đủ cho đàn vật nuôi; phát hiện kịp thời dịch bệnh báo cáo cơ quan chức năng xử lý, khoanh vùng, dập dịch kịp thời.
Gửi phản hồi
In bài viết