Ứng dụng công nghệ sau thu hoạch: Nâng cao giá trị nông sản

- Không phải vào thời điểm này, khi dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường tiêu thụ nông sản thì câu chuyện cải tiến công nghệ bảo quản, chế biến nhằm nâng cao giá trị nông sản mới được đặt ra. Trước đó, việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch nhằm hạn chế tình trạng “được mùa - mất giá” được các nhà quản lý đánh giá cao và coi đây là khâu then chốt để bảo đảm giá trị dinh dưỡng, nâng giá trị gia tăng sản phẩm.

Công nghiệp chế biến nông, lâm sản của tỉnh đã có bước phát triển đáng kể cả về quy mô và mức độ hiện đại so với trước đây. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè, mía đường, gỗ rừng trồng đều có doanh nghiệp chế biến. Chỉ tính riêng đối với sản phẩm chè, ngành hàng truyền thống của tỉnh đã có 45 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ có đăng ký kinh doanh chế biến, tiêu thụ chè, trong đó có 3 Công ty cổ phần Chè là Mỹ Lâm, Sông Lô và Tân Trào. Tổng năng lực chế biến 514 tấn chè búp tươi/ngày, tương đương với trên 16.850 tấn sản phẩm/năm.

Với sản phẩm gỗ rừng trồng, tỉnh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn, có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực này như: Tập đoàn Geleximco đầu tư xây dựng Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa, Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gỗ tại cụm công nghiệp Thắng Quân (Yên Sơn) công suất các loại sản phẩm 170.000 m3 sản phẩm/năm, với các sản phẩm ván dăm, ván ép và các sản phẩm đồ gỗ nội ngoại thất từ gỗ rừng trồng. Cũng chính vì có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chế biến nên giá trị sản phẩm chè, gỗ rừng trồng đã được nâng cao.

Công ty cổ phần Chè Sông Lô chế biến chè đen, chè xanh xuất khẩu.

Đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công nghiệp chế biến dù đã có bước phát triển nhưng cũng mới chỉ tập trung ở một số sản phẩm cây công nghiệp, đối với cây hàng năm, còn cây ăn quả và sản phẩm chăn nuôi gần như rất ít doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư chế biến. Điển hình cây cam, hiện tại với diện tích cam toàn tỉnh lên đến trên 8.000 ha, lớn nhất trong các loại cây ăn quả của tỉnh, sản lượng cam hàng năm lên đến con số trên 80.000 tấn và gần như năm vào thời điểm chính vụ cũng xảy ra tình trạng dồn ứ, kêu gọi giải cứu. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà máy chế biến nước cam vẫn chưa thể thực hiện được với rất nhiều nguyên nhân.  

Đồng chí Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh cho biết, không riêng cây cam, một số cây ăn quả và các loại rau, củ khác của tỉnh vẫn chủ yếu cung ứng vào thị trường ở dạng tươi, sống. Và công nghệ bảo quản sản phẩm rau, củ, quả tươi sống sau thu hoạch hiện nay của tỉnh cũng hạn chế, thiếu sức cạnh tranh. Đây là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “được mùa - mất giá” đối với nhiều loại nông sản, đó cũng là lý do khiến cụm từ “giải cứu nông sản” dần trở nên quen thuộc mỗi khi bước vào chính vụ loại nông sản nào đó trong vài năm gần đây.

Nâng cao giá trị sản xuất, giảm áp lực cho thị trường khi sản phẩm vào thời vụ thì phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp căn cơ và bền vững nhất. Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Thuấn cho rằng, thu hút doanh nghiệp tham gia vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp cần phải có đủ các điều kiện, trong đó điều kiện tiên quyết là hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phải đồng bộ, đảm bảo cho việc cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển sản phẩm. Cùng với đó là có vùng nguyên liệu ổn định cả về quy mô và sản lượng. Cuối cùng là phải triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản...

Hiện tại tỉnh ta đã khởi động Đề án bê tông hóa đường giao thông nông thôn và xây dựng cầu trên đường giao thông nông thôn, giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 55/NQ-HĐND ngày 20-11-2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh. Với đề án này hạ tầng giao thông nông thôn sẽ được hoàn thiện thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Tỉnh cũng tiếp tục quy hoạch, giám sát thực hiện quy hoạch đối với các vùng sản xuất, đồng thời có chính sách mời gọi các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, nông, lâm sản. UBND tỉnh đã xây dựng Đề án phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp được triển khai. Theo đó, đối với từng loại cây chủ lực sẽ xây dựng chuỗi liên kết từ chế biến, tiêu thụ sản phẩm, mang lại nhiều giá trị gia tăng cho người dân.

Trước mắt để tiêu thụ nông sản trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, ngành Nông nghiệp tỉnh đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết chuỗi để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã trong việc ký kết hợp đồng tiêu thụ các mặt hàng nông sản đến kỳ thu hoạch; đồng thời, thúc đẩy tiêu thụ qua hệ thống “Chợ thương mại điện tử”, trên các kênh phân phối hiện đại.                  

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục