Nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn tại lễ khai hội.
Là một trong những lễ hội kéo dài nhất nước, Hội xuân Yên Tử kéo dài trong 3 tháng đầu năm với nhiều nghi thức tâm linh độc đáo, như: Rước kiệu, dâng hương, gióng trống, thỉnh chuông; lễ chúc phúc đầu năm; lễ cầu quốc thái dân an; lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...
Bên cạnh phần lễ, phần hội tại di tích Yên Tử gồm nhiều hoạt động đặc sắc, như: Đêm hội hoa đăng; biểu diễn nghệ thuật, múa lân, múa rồng, võ thuật cổ truyền; văn hóa ẩm thực dân tộc… Ngoài ra còn có các hoạt động vui chơi, trải nghiệm phong phú và diễn ra trên một không gian rộng, như các trò chơi dân gian tại khu làng Nương, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử.
Múa lân sư rồng không thể thiếu trong ngày khai hội xuân Yên Tử.
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Uông Bí Phạm Tuấn Đạt, để chuẩn bị cho lễ hội mở trở lại sau 3 năm tạm dừng vì dịch Covid-19, địa phương đã chủ động lên kế hoạch đón khách bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan, phòng, chống dịch bệnh…
“Nhiều tuyến đường hành hương, hệ thống biển báo giới thiệu cũng được cải tạo, chỉnh trang, trang trí cờ hoa, dẫn vào tới chân núi Yên Tử, tạo không khí xuân tươi mới, rực rỡ chào đón du khách bốn phương. Dự kiến, trong ngày khai hội, non thiêng Yên Tử sẽ đón khoảng 3 vạn lượt khách về hành hương, tham quan, trải nghiệm và hơn 1 triệu lượt khách trong suốt 3 tháng diễn ra hội xuân”, ông Phạm Tuấn Đạt nói.
Lễ cầu quốc thái dân an tại Yên Tử.
Danh sơn Yên Tử gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp vĩ đại của đức vua Trần Nhân Tông - vị vua đã lãnh đạo quân và dân Đại Việt hai lần đánh thắng giặc Nguyên - Mông xâm lược. Và sau hai cuộc kháng chiến, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, để chuyên tâm nghiên cứu đạo Phật. Năm 1299, ông chính thức lên núi Yên Tử đi tu, lấy Phật danh là Điều Ngự Giác Hoàng, trở thành đệ nhất Tổ - Thiền phái Trúc Lâm.
Thông tin từ Ban tổ chức lễ hội xuân Yên Tử 2023, với những tiêu chí, giá trị to lớn của di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, hiện chính quyền các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đang phối hợp xây dựng hồ sơ khoa học "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới vào kỳ họp cuối năm 2023 tại Paris - Pháp.
Gửi phản hồi
In bài viết