Người dân sinh hoạt tại nơi trú ẩn tạm thời gần Trại Awlala, khu vực Amhara, Ethiopia ngày 31/5/2024. (Ảnh minh họa: Reuters)
Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 7/8, WHO cho biết, 2 năm sau khi đợt bùng phát dịch tả bắt đầu vào tháng 8/2022, quốc gia Đông Phi vẫn đang phải tiếp tục chiến đấu với căn bệnh này, với số ca mắc bệnh gần đây có xu hướng tăng lên.
Theo thông tin từ WHO, chiến dịch vaccine phòng bệnh tả qua đường uống cấp quốc gia được triển khai gần đây để bảo vệ những nhóm dân số có nguy cơ cao đã đạt được tỷ lệ bao phủ 98,4%, tiếp cận hơn 10,19 triệu người ở 89 địa phương trên 8 vùng tại Ethiopia.
Trong nỗ lực chống dịch tả, các ngành chức năng có liên quan cũng đã thực hiện các biện pháp ứng phó để ngăn chặn sự lây truyền, bao gồm khử trùng từng nhà, xét nghiệm và xử lý nước, cũng như xây dựng các nhà vệ sinh tiêu chuẩn.
WHO nhấn mạnh rằng việc thiếu kinh phí đang cản trở nghiêm trọng các nỗ lực phối hợp ứng phó dịch tả do Viện Y tế Công cộng Ethiopia dẫn đầu.
Tổ chức y tế của Liên hợp quốc cũng kêu gọi đầu tư rộng rãi vào hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh để chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả.
Theo WHO, Ethiopia đã báo cáo 143 ca tử vong liên quan đến dịch tả trong năm nay, với 19.271 ca mắc bệnh được báo cáo chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến 30/6.
Các cơ quan của Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo đã kêu gọi các giải pháp bền vững để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của các đợt tái bùng phát dịch tả, bao gồm nước uống kém chất lượng và việc đi đại tiện ngoài trời không bảo đảm vệ sinh.
Trong hầu hết các trường hợp, ô nhiễm phân trong nguồn nước uống là nguyên nhân chính gây ra bệnh tả, với hầu hết bệnh nhân mắc bệnh tả sử dụng nước uống không an toàn.
Tả là một bệnh nhiễm trùng tiêu chảy cấp tính do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm, dẫn đến tiêu chảy cấp tính và mất nước nghiêm trọng. Bệnh có thể gây tử vong trong vòng vài giờ nếu không được điều trị.
Gửi phản hồi
In bài viết