Em bé Palestine bị suy dinh dưỡng được điều trị tại một bệnh viện dã chiến ở Deir Al-Balah, phía nam Dải Gaza, ngày 22/6/2024. (Ảnh: Reuters) |
WHO đang tiến hành chiến dịch tiêm vaccine bại liệt cho Gaza sau khi phát hiện ra loại virus này tại đây. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn trong xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas không được thực thi đã gây ra nhiều trở ngại cho công tác tiêm chủng.
Cơ quan y tế Gaza đã tuyên bố đợt bùng phát dịch bại liệt vào tháng trước. Mặc dù chưa phát hiện trường hợp lâm sàng nào cho đến nay, nhưng mầm mống của bệnh bại liệt đã được phát hiện trong hệ thống cống rãnh ở Deir al-Balah và Khan Younis tại Gaza.
Trong cuộc họp báo diễn ra ngày 7/8, TS Hamid Jafari, chuyên gia về bệnh bại liệt của WHO cho biết, có khả năng loại virus này đã lưu hành ở các địa phương trên từ tháng 9 năm ngoái.
Trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao nhất, đặc biệt là trẻ sơ sinh dưới 2 tuổi, nhất là trong bối cảnh các chiến dịch tiêm chủng thông thường đã bị gián đoạn do xung đột kéo dài.
Trong khi vaccine cần thiết để tiêm chủng cho nửa triệu trẻ em chống lại dịch bệnh đã có sẵn, việc giao vaccine vào vùng lãnh thổ này hoặc tới các địa điểm cần thiết ở Gaza rất khó khăn do việc đi lại bị hạn chế.
"Chúng ta cần ngừng bắn, thậm chí là ngừng bắn tạm thời để thực hiện thành công các chiến dịch tiêm chủng này. Nếu không, có nguy cơ virus bại liệt lây lan xa hơn, thậm chí qua cả biên giới", Giám đốc khu vực của WHO, TS Hanan Balkhy cho biết.
Bà Balkhy cũng chỉ ra nguy cơ dẫn đến tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Gaza và khả năng các chủng virus tương tự lây lan sang các quốc gia khác.
TS Richard Peeperkorn, đại diện của WHO tại Gaza cho biết, vùng lãnh thổ này đã ghi nhận tỷ lệ mắc bệnh tiêu chảy cao gấp 24 lần bình thường, cũng như hơn 100 nghìn trường hợp mắc ghẻ và chấy, cùng 70 nghìn trường hợp phát ban trên da do tình trạng cư trú quá tải, ảnh hưởng bởi nước thải và ô nhiễm.
Là một loại virus có khả năng lây nhiễm cao, virus bại liệt lây lan chủ yếu qua đường phân-miệng, có thể xâm nhập vào hệ thần kinh và gây tê liệt.
Các trường hợp mắc bệnh bại liệt đã giảm 99% trên toàn thế giới kể từ năm 1988 nhờ các chiến dịch tiêm chủng hàng loạt và các nỗ lực tiếp tục xóa sổ hoàn toàn căn bệnh này.
Gửi phản hồi
In bài viết