Xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo đi qua cửa khẩu Rafah để tới Dải Gaza. Ảnh: AP
Cùng ngày 1-12, theo một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông báo cho Israel rằng Washington sẽ áp đặt lệnh cấm thị thực trong vài tuần tới đối với những người định cư cực đoan Israel có hành vi bạo lực chống lại thường dân Palestine ở Bờ Tây bị chiếm đóng.
Khu Bờ Tây đã chứng kiến làn sóng bạo lực gia tăng trong những tháng gần đây trong bối cảnh các khu định cư của người Do Thái ngày càng mở rộng và sự bế tắc kéo dài gần một thập kỷ trong nỗ lực hòa bình do Mỹ bảo trợ.
Ngoại trưởng Blinken đã gặp các quan chức Israel và Palestine hôm 30-11 trong chuyến đi thứ ba tới Trung Đông kể từ khi xung đột nổ ra vào ngày 7 -10, cho biết chuyến thăm của ông tập trung vào việc đưa các con tin ra khỏi Gaza và thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo cho người dân nơi đây.
Nhà ngoại giao Mỹ cam kết Washington vẫn “tập trung cao độ” vào việc giải phóng tất cả các con tin bị giữ ở Gaza bất chấp thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã chấm dứt.
Ngày 1-12, Văn phòng truyền thông của Gaza đã kêu gọi các quốc gia Ả rập và Hồi giáo khẩn trương thành lập các bệnh viện dã chiến tại khu vực này để cứu “hàng chục nghìn người bị thương”. Phát biểu với các phóng viên khi lực lượng Israel nối lại cuộc tấn công vào Gaza, người phát ngôn của văn phòng, Salama Marouf, cho biết, Gaza cần “số lượng lớn xe tải viện trợ”, bao gồm ít nhất 1 triệu lít nhiên liệu mỗi ngày.
Ông Marouf kêu gọi các nước, đặc biệt là thành viên của Liên đoàn Ả rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, đưa ra “kế hoạch giải cứu khẩn cấp” và tìm ra “các giải pháp nhân đạo nhanh chóng nhằm giải quyết số phận của hơn 250.000 gia đình bị mất nhà cửa”.
Trong khi đó, tổ chức Oxfam đang “lo sợ cho tính mạng và tương lai” của hơn 2 triệu người ở Gaza, những người “một lần nữa phải đối mặt với cái chết do tên lửa và bom cũng như nạn đói, khát và bệnh tật”.
Trong một tuyên bố ngày 1-12, tổ chức này cho biết, lệnh ngừng bắn kéo dài 7 ngày cho phép hơn 1.000 xe tải viện trợ vào Gaza, mang theo thực phẩm, nước, chăn cho một số người. Nhưng “điều này sẽ không bao giờ là đủ khi mà 1,8 triệu người - hay 80% toàn bộ dân số Gaza đã phải di dời”, tổ chức nêu rõ.
Oxfam cảnh báo về một "thảm họa nhân đạo đang diễn ra" tại khu vực bị bao vây, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế phải sử dụng mọi nỗ lực ngoại giao để thúc đẩy một lệnh ngừng bắn lâu dài, đảm bảo quyền tiếp cận viện trợ nhân đạo thông qua Israel và Ai Cập và đảm bảo việc thả các con tin còn lại.
Gửi phản hồi
In bài viết