Nhiều nước châu Âu bắt đầu nới lỏng các hạn chế ngừa dịch Covid-19.
Châu Á - châu Đại dương
Tại Campuchia, do các ca mắc Covid-19 mới có xu hướng tăng trở lại, chính quyền thủ đô vừa ban hành lệnh cấm tụ tập trên 15 người, đồng thời, tạm ngừng các hoạt động kinh doanh và công việc có rủi ro cao lây nhiễm dịch Covid-19. Chính quyền thành phố chưa cho phép mở cửa các trường học và các trường dạy nghề. Lệnh đóng cửa cũng được áp dụng với tất cả các loại hình câu lạc bộ, khu nghỉ dưỡng, bảo tàng, khu vui chơi, rạp chiếu phim, phòng tập thể thao.
Còn Indonesia đã hủy bỏ các chuyến hành hương của người dân tới thánh địa Mecca ở Saudi Arabia. Đây là năm thứ hai liên tiếp Indonesia hủy bỏ sự kiện do lo ngại diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19.
Theo kế hoạch, Thái Lan sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng đại trà trên toàn quốc vào ngày 7-6. Chính phủ Thái Lan đảm bảo rằng, tất cả công dân nước ngoài sống ở quốc gia Đông Nam Á này đã đăng ký sẽ bắt đầu được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 từ tuần tới.
Tại bang Queensland của Australia, chính quyền bang cũng đang đẩy mạnh cuộc chiến chống lại Covid-19 bằng cách tiếp tục đóng cửa với bang Victoria và tăng cường thiết lập thêm các trung tâm tiêm chủng vào cuối tuần tới.
Theo chính quyền bang Queensland, bang Victoria được coi là một điểm nóng về Covid-19, do đó, những người từng lưu lại bang này không được phép vào Queensland, ngoại trừ cư dân của Queensland, nhưng những người này cũng phải cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn được chỉ định khi quay lại bang. Lệnh hạn chế được đưa ra sau khi số ca mắc Covid-19 tại Melbourne gia tăng nhanh chóng, buộc chính quyền bang Victoria phải phong tỏa thành phố cho tới ngày 10-6.
Châu Âu
Theo hãng tin AFP (Pháp), cứ 10 người dân Liên minh châu Âu (EU), có 4 người được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, trong đó Đức dẫn đầu (43,6%), tiếp đó là Italia (40%), Pháp và Tây Ban Nha (39,4%).
Italia đã triển khai chiến dịch tiêm chủng cho mọi người dân trên 12 tuổi sau khi Cơ quan Quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) trong tuần trước đã phê duyệt sử dụng vắc xin Pfizer/BioNTech cho thanh thiếu niên từ 12 đến 15 tuổi.
Sau sự khởi đầu chậm chạp vào đầu năm, do các vấn đề về tổ chức lẫn thiếu nguồn cung, chương trình tiêm chủng của Italia đã được đẩy mạnh. Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, hơn 35 triệu liều vắc xin đã được tiêm cho người dân, với 12,4 triệu người - gần 23% dân số - đã được tiêm đủ liều. Italia là quốc gia châu Âu đầu tiên phải đối mặt với đại dịch Covid-19 vào đầu năm 2020. Cho đến nay, nước này đã ghi nhận hơn 126.000 ca tử vong do Covid-19. Tuy nhiên, các ca mắc đã giảm đáng kể trong những tuần gần đây và nhiều biện pháp hạn chế chống dịch đã được dỡ bỏ, mặc dù lệnh giới nghiêm ban đêm vẫn còn hiệu lực, vẫn còn quy định đeo khẩu trang ở nơi công cộng và hạn chế đối với việc ăn uống trong nhà.
Trong khi đó, Đức đã sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát làn sóng lây lan dịch Covid-19 thứ tư nếu số ca mắc mới bất ngờ tăng giống như mùa thu năm 2020. Bộ trưởng Y tế Liên bang Đức Jens Spahn cho biết đã bắt đầu thảo luận với các chuyên gia và Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI), nhằm sớm phát hiện nguy cơ và tìm ra chiến lược để tránh một làn sóng lây nhiễm mới.
Hiện Đức có kế hoạch tiếp tục kéo dài tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn quốc, vốn là cơ sở pháp lý để đề ra các quy định về tiêm chủng hay chi phí xét nghiệm. Tình trạng khẩn cấp này được phê chuẩn ngày 25-3-2020, được gia hạn hồi tháng 11 năm ngoái và có hiệu lực tới cuối tháng 6 này.
Hội đồng châu Âu đã nhất trí với đề xuất của đại sứ 27 nước EU đưa du khách Nhật Bản vào danh sách các quốc gia có thể được nhập cảnh vào khối này, bao gồm cả người chưa được tiêm chủng ngừa Covid-19. Như vậy, theo danh sách được cập nhật thường xuyên của EU thì công dân 8 quốc gia được nhập cảnh vào khối này bao gồm Nhật Bản, Australia, Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan.
Châu Mỹ
Ngày 4-6, Nhà Trắng ra thông cáo cho biết, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chia sẻ khoảng 25 triệu liều vắc xin phòng dịch Covid-19 với các nước trên thế giới.
Trong 25 triệu liều vắc xin này, có gần 19 triệu liều được phân bổ qua chương trình phân phối vắc xin của Liên hợp quốc (COVAX). Cụ thể, khoảng 6 triệu liều sẽ dành cho các nước Trung và Nam Mỹ gồm: Brazil, Argentina, Colombia, Costa Rica, Peru, Ecuador, Paraguay, Bolivia, Guatemala, El Salvador, Honduras, Panama, Haiti, các nước Cộng đồng Caribe (CARICOM) và Cộng hòa Dominica.
Khoảng 7 triệu liều vắc xin sẽ được chia sẻ với các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, gồm: Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka, Afghanistan, Maldives, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Lào, Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc) và các đảo Thái Bình Dương.
Khoảng 5 triệu liều dự kiến được chia sẻ với các nước châu Phi, thông qua hoạt động phối hợp sàng lọc cùng Liên minh châu Phi (AU).
Ngoài ra, có khoảng 6 triệu liều nữa sẽ dành để cung cấp cho các đối tác và khu vực ưu tiên như: Mexico, Canada, Hàn Quốc, Bờ Tây và Dải Gaza, Ukraine, Kosovo, Gruzia, Ai Cập, Jordan, Ấn Độ, Iraq, Yemen và các nhân viên tuyến đầu của Liên hợp quốc.
Gửi phản hồi
In bài viết