Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa.
Thực hiện Nghị quyết số 48 ngày 15-11-2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đến nay đã có 27 cơ quan, đơn vị ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 và các năm tiếp theo; UBND các huyện Na Hang, Lâm Bình đã thành lập BCĐ chuyển đổi số của huyện và thành lập Tổ giúp việc, triển khai các nhiệm vụ tại địa phương. 2 huyện Lâm Bình, Chiêm Hóa đã thành lập được 34 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, gần 400 tổ cấp thôn với tổng số trên 2.000 thành viên.
Về hạ tầng số, hệ thống truyền hình trực tuyến phục vụ các hội nghị của tỉnh đã được đầu tư đồng bộ và đi vào hoạt động kết nối các điểm cầu từ trung ương đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. UBND tỉnh đã phê duyệt phương án đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ cho Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Tuyên Quang. Đến tháng 5-2022, đã có gần 40 cuộc họp được tổ chức trực tuyến qua đó kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục sử dụng hiệu quả các hệ thống dùng chung của tỉnh để phục vụ công tác điều hành, chỉ đạo từ cấp tỉnh tới cấp xã. Hiện nay có 20 sở, ban, ngành, 7 huyện, thành phố và 138 xã, phường, thị trấn thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến từ mức độ 2 đến mức độ 4 và có 582 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật viễn thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư và phát triển quy mô đáp ứng được công tác điều hành, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh và nhu cầu thông tin, liên lạc của người dân.
Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo về chuyển đổi số. Ảnh: Việt Hòa.
Trên lĩnh vực kinh tế số, các cơ quan, ngành hoạt động dịch vụ, kinh doanh; doanh nghiệp sản xuất đã áp dụng và đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy toàn diện thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng hóa đơn điện tử...
Về xã hội số, toàn tỉnh đã có 1.060 vị trí lắp đặt trạm thu phát sóng di động (BTS); tuyến truyền dẫn cáp quang kéo đến 1.693 thôn, tổ dân phố...
Tuy nhiên việc triển khai chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn một số hạn chế như: mới chỉ có 03 sở, ngành ban hành kế hoạch thực hiện Kế hoạch số 55 ngày 12-4-2022 của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết 48 của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 01 ngày 21-4-2022 của BCĐ Chuyển đối số tỉnh Tuyên Quang năm 2022. Chưa xây dựng Trung tâm điều hành Đô thị thông minh; chưa triển khai ứng dụng IPv6 trên hạ tầng, mạng lưới dịch vụ của các cơ quan nhà nước; chưa xây dựng mạng diện rộng; chưa ban hành kiến trúc đô thị thông minh; sàn thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang được xây dựng từ năm 2013 chưa đáp ứng yêu cầu.
Tại cuộc họp các đại biểu tập trung thảo luận tìm giải pháp để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số của tỉnh, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số; tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến do Nhà nước cung cấp; đồng bộ các cổng dịch vụ của quốc gia, tỉnh, ngành tránh tình trạng chồng chéo...
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại phiên họp.
Phát biểu chỉ đạo phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chuyển đổi số của tỉnh trên 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đã đạt được kết quả. Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là nhận thức của đội ngũ cán bộ, người lao động chưa thực sự quyết liệt; nền tảng công nghệ thông tin chưa đồng bộ... Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát lại nhiệm vụ được giao trong chương trình, kế hoạch đã được UBND tỉnh ban hành liên quan đến chuyển đổi số, trên cơ sở đó, khẩn trương, quyết liệt tổ chức triển khai thực hiện. Đối với Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị, địa phương theo kế hoạch của UBND tỉnh; hoàn thành bộ tiêu chí đánh giá về chuyển đổi số để đánh giá mức độ triên khai chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị, địa phương; triển khai xây dựng Hệ thống Trung tâm, giám sát, điều hành thông minh tỉnh (IOC); khẩn trương hoàn thiện quy trình thuê Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đảm bảo yêu cầu về kết nối, chia sẻ với các bộ, ngành và số hóa thủ tục hành chính tại bộ phận 1 cửa cấp tỉnh, đặc biệt ưu tiên số hóa 25 thủ tục hành chính thiết yếu...
Gửi phản hồi
In bài viết