Quang cảnh họp báo. (Ảnh: VGP)
Mua bán điện cho dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp
Về mua bán điện cho dự án điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp, giá điện mà Bộ Công thương đưa ra là thấp, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, cơ chế giá FIT hưởng ưu đãi đã hết hiệu lực và cơ chế giá để xây dựng khung giá điện này, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 15 quy định phương pháp xác định giá điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp. Trên cơ sở đó ban hành khung giá phát điện. Trên cơ sở tính toán của EVN, Bộ Công thương đã tham khảo ý kiến các bộ, ngành liên quan.
Theo lãnh đạo Bộ Công thương, suất đầu tư điện gió và mặt trời thế giới có xu hướng giảm mạnh. Các thông số liên quan lựa chọn trên cơ sở thu thập số liệu, nhà máy điện gió và mặt trời, tổ chức tư vấn quốc tế.
Trên cơ sở khung giá, Bộ đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thỏa thuận, đàm phán với chủ đầu tư về giá điện, đáp ứng yêu cầu và quy định về đầu tư xây dựng, phòng cháy chữa cháy và tuân thủ quy định.
Về xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Văn phòng Chính phủ đã giao cho Bộ Công thương xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Bộ đã phối hợp Bộ Tài chính, các bộ, ngành có liên quan thành lập ban soạn thảo, tổ biên tập, xây dựng dự thảo, xin ý kiến rộng rãi các đối tượng liên quan, mặc dù theo thủ tục rút gọn là không cần phải xin ý kiến.
"Chúng ta chia sẻ rằng, nghị định này trực tiếp điều chỉnh rất nhiều đối tượng khác nhau, có quyền lợi khác nhau và đối nghịch nhau nên việc có nhiều ý kiến là dễ hiểu. Bộ phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, như VCCI tổ chức hội thảo góp ý, các báo tổ chức tọa đàm, từ đó giao cho Ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng các ý kiến phù hợp thực tế, đáp ứng cao nhất yêu cầu, đề nghị các đối tượng", đại diện lãnh đạo Bộ Công thương cho biết.
Tuy vậy, lãnh đạo Bộ Công thương cho rằng, tình hình liên tục thay đổi nên chỉ có thể có phương án tốt nhất trong một thời điểm. Về mức chiết khấu, các đối tượng kinh doanh xăng dầu được xem xét kỹ lưỡng, tiếp thu cao nhất các ý kiến của các đối tượng tác động, nhằm bảo đảm tính công khai minh bạch và hiệu quả.
Dành khoảng 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội
Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, tại Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững đã giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng để chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank) cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5 đến 2% so lãi suất cho vay trung dài hạn VND bình quân của các ngân hàng thương mại nhà nước trên thị trường và các ngân hàng thương mại ngoài nhà nước có đủ điều kiện với các gói tín dụng cụ thể trong từng thời kỳ.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, trên cơ sở ý kiến thống nhất và các văn bản tham gia của 4 ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã có hướng dẫn một số nội dung và yêu cầu các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố.
Theo đó, đối tượng vay vốn là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục dự án do Bộ Xây dựng công bố theo quy định; bao gồm chủ đầu tư và người mua nhà. Về lãi suất, theo Ngân hàng Nhà nước, sẽ thay đổi trong 6 tháng, trong đó, lãi suất vay đến hết ngày 30/6 với chủ đầu tư là 8,7% còn người mua nhà là 8,2%.
Thời gian ưu đãi đối với chủ đầu tư là 3 năm kể từ ngày giải ngân nhưng không quá thời hạn cho vay tại thỏa thuận cho vay ban đầu. Đối với người mua nhà là 5 năm. Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, ngân hàng thương mại cho khách hàng vay vốn để thực hiện chương trình bằng nguồn vốn tự huy động của chính ngân hàng.
Tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế
Về vấn đề tháo gỡ khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, ngày 3/3, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07 sửa đổi một số điều của Nghị định 98 quy định về trang thiết bị y tế. Nghị định sau khi ban hành đã kịp thời giải quyết được hết các vướng mắc khó khăn của các bệnh viện trong việc mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế cũng như đáp ứng nguồn cung, giải quyết các ách tắc tồn đọng trang thiết bị y tế nhập khẩu.
Đây là căn cứ để các doanh nghiệp kinh doanh sản xuất cung ứng trang thiết bị y tế cho các nhà quản lý các cấp đặc biệt là lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế, xác định rõ trách nhiệm quyền hạn và nghĩa vụ góp phần cung cấp cho ngành y tế trang thiết bị có chất lượng, đúng giá trị và sử dụng hiệu quả phục vụ công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Đối với các trường hợp thiếu trang thiết bị do giấy phép trang thiết bị y tế và số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế, sinh phẩm chuẩn đoán intro hết hạn trong khi tiến độ cấp mới lưu hành trang thiết bị y tế chưa đáp ứng yêu cầu xã hội thì Nghị định 07 quy định gia hạn hiệu lực giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế đã được cấp từ 1/12018-31/12/2021 thì tiếp tục sử dụng hết 31/12/2024. Số đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế là sinh phẩm chuẩn đoán in vitro đã được cấp từ 1/1/2014-31/12/2019 được tiếp tục sử dụng đến hết 31/12/2024.
Các tổ chức đã được cấp giấy phép nhập khẩu, đã được cấp số lưu hành trang thiết bị y tế phải đáp ứng các điều kiện theo quy định pháp luật và chịu trách nhiệm bảo đảm chất lượng số lượng, chủng loại, mục đích sử dụng trang thiết bị y tế. Bộ Y tế sẽ thực hiện thanh tra, và thu hồi giấy phép nhập khẩu cũng như số lưu hành trang thiết bị y tế đối với các trường hợp vi phạm quy định về quản lý trang thiết bị y tế.
Sim thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin bị khóa một chiều
Về vấn đề sau ngày 31/3. những sim thuê bao di động chưa chuẩn hóa thông tin sẽ bị khóa một chiều, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, những thuê bao đã đăng ký thông tin bằng chứng minh thư nhân dân, nếu như có thông tin đầy đủ, chính xác theo quy định thì hoạt động bình thường.
Cụ thể, thuê bao đã đăng ký bằng chứng minh thư nhân dân nhưng chưa đồng bộ với căn cước công dân mới được hiểu chưa đồng bộ hoặc chưa được cấp căn cước công dân, trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa có thông tin sẽ được nhà mạng chủ động rà soát dữ liệu trong cơ sở dữ liệu của nhà mạng và hồ sơ đăng ký thuê bao trước đây (bản giấy hoặc bản photo giấy tờ tùy thân).
Từ đó để khẳng định cơ sở dữ liệu tại nhà mạng trùng khớp với bản chụp giấy tờ khi đăng ký của khách hàng. Việc này nhà mạng tự làm chứ không phiền gì đến người dân.
Đối với người dân muốn kiểm tra việc thuê bao có thông tin chuẩn chưa, nhà mạng đã hướng dẫn rất rộng rãi và người dân chủ động nhắn tin đến số 1414 với cú pháp TTTB; tin nhắn này miễn phí. Nếu thông tin trả về khớp thì đã bảo đảm, còn không khớp sẽ liên hệ với nhà mạng để chuẩn hóa thông tin cá nhân.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng chỉ rõ việc chuẩn hóa thông tin thuê bao nhằm góp phần hạn chế sim rác quấy nhiễu người dân hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng, mạng viễn thông thời gian qua...
Gửi phản hồi
In bài viết