Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc gặp mặt.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp
Tại buổi làm việc, PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế nước nhà.
Tuy nhiên trước những thách thức to lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; những tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống, sự bất định trong đời sống kinh tế, chính trị thế giới; cùng với những tồn tại, hạn chế trong nội tại nền kinh tế đất nước chưa được khắc phục; tác động của hậu Covid-19,… đã tạo ra những bất lợi, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế đất nước nói chung, cũng như khu vực kinh tế tư nhân nói riêng.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; sự chỉ đạo điều hành, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã không chỉ giúp cho cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp từng bước phục hồi và phát triển, mà còn củng cố niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng doanh nhân đối với đường lối của Đảng và Nhà nước, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nền kinh tế hội nhập, tự chủ, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
PGS.TS Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam
Trao đổi tại cuộc gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhấn mạnh vai trò của doanh nhân tư nhân và khu vực kinh tế tư nhân; khẳng định vai trò quan trọng của khu vực tư nhân trong việc tạo công ăn, việc làm; khu vực tư nhân cùng với khu vực kinh tế nhà nước, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng trong việc xây dựng nền kinh tế tự chủ, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn những hạn chế, thách thức;… lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trao đổi về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp tư nhân nói riêng; khẳng định các cơ quan quản lý nhà nước sẽ tiếp tục đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất để cộng đồng doanh nghiệp vươn lên, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang bủa vây các doanh nghiệp. Theo chia sẻ của Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa Cao Tiến Đoan, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đây là một "điểm nghẽn" cần tháo gỡ. Bởi ông Đoan cho rằng, “tiền là máu của nền kinh tế”, doanh nghiệp thiếu vốn như thiếu máu, đồng nghĩa với việc sẽ kéo lùi sự phát triển của doanh nghiệp, dễ bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh.
Do đó, việc tiếp cận vốn tín dụng đang là vấn đề rất quan trọng, được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Với quyết tâm "Lấy tâm làm trọng, lấy kết quả để khẳng định mình", cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mong muốn các ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; cũng như phải đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của đội ngũ nhân lực, thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Vị đại diện cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc để nâng cao năng lực tài chính, chuyên môn, nghiệp vụ, chất lượng đội ngũ nhân sự, tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật về kinh doanh nói chung, về tín dụng nói riêng, đảm bảo sử dụng nguồn vay an toàn, hiệu quả để gia tăng cơ hội thành công của mình.
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa
Với những kiến nghị trên của cộng đồng doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng khẳng định, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ và giải pháp chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng theo định hướng đề ra.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Tiến Dũng
Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất. Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất-kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Phó Thống đốc cho biết thêm, trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo ở mức cao, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tiếp điều chỉnh hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Năm nay Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cao hơn năm 2022 (khoảng 14-15%); đồng thời cũng triển khai nhiều cơ chế ưu đãi về lãi suất, tài sản đảm bảo; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng để tăng vòng quay đồng tiền; thực hiện cơ chế đối thoại giữa ngân hàng, doanh nghiệp để cùng tháo gỡ khó khăn… tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp.
Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái khẳng định: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và đánh giá cao vai trò của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đây là lực lượng sản xuất vật chất chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam, đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của Cách mạng Việt Nam.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái
Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng: Chính nhờ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, ngày hôm nay, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế lớn thứ tư của ASEAN và thứ 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong TOP20 của thế giới (đạt gần 740 tỷ USD), là một trong những nền kinh tế được đánh giá là năng động và có độ mở cao nhất thế giới.
Đồng thời, chúng ta cũng có đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng, đã có những đóng góp to lớn, quan trọng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên nhiều phương diện; là lực lượng chủ yếu, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động, qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Hiện nay Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó 870 nghìn doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiếm gần 97% số doanh nghiệp của cả nước;…. Đội ngũ doanh nhân tư nhân ngày càng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Các doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, hoạt động không chỉ trong nước mà nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã gây được tiếng vang, khẳng định giá trị thương hiệu vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Thời gian tới, tình hình thế giới dự báo diễn biễn rất phức tạp, khó lường; ở trong nước, nhìn chung thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu, chính quyền các cấp cần tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp và sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh, tình hình mới; loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đặc biệt là tháo gỡ những điểm nghẽn có thể ảnh hưởng đến hoạt động, phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hiệu quả. Phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và các chuỗi cung ứng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chụp ảnh cùng đại diện các doanh nhân tiêu biểu
Chính phủ sẽ tăng cường đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Luôn đồng hành, lắng nghe, chia sẻ và quyết liệt giải quyết, xử lý những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; tăng cường kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực phát triển, nhất là nguồn lực đất đai. Tạo điều kiện để khu vực kinh tế ngoài nhà nước tham gia thực hiện các dự án, công trình, xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội theo hình thức hợp tác công - tư.
Chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh
Đối với cộng đồng doanh nhân, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các doanh nhân cần phát huy tinh thần dân tộc Việt Nam, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức người kinh doanh, tuân thủ đúng pháp luật, quy định của Nhà nước trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nhân trong thời kỳ mới.
Chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng quản trị hiện đại, tạo đột phá cho phát triển doanh nghiệp, góp phần thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong sản phẩm, dịch vụ của mình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, xây dựng doanh nghiệp tầm cỡ Khu vực và quốc tế, có nhiều doanh nhân tiêu biểu hơn nữa, nhiều tỷ phú đô la hơn nữa.
Nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đồng thời có các phương án thích ứng với những biến động nhanh, khó lường hiện nay. Xây dựng chiến lược phù hợp với xu thế phát triển hiện nay là Chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn, bền vững; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu; xây dựng uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chụp ảnh lưu niệm cùng đại diện các doanh nhân tiêu biểu
Cuối cùng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mong muốn Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam và các Hội viên tiếp tục đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau, phát huy mạnh mẽ tinh thần đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2023 và nhiệm kỳ giai đoạn 2021-2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng chúc Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam và cộng đồng doanh doanh nhân Việt Nam nói chung và doanh nhân tư nhân nói riêng phát triển ngày càng lớn mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết