Tổng Giám đốc FPT IS khẳng định mô hình hợp tác công tư (PPP) tạo nên cú hích khai phá nguồn dữ liệu số.
Đâu là chìa khóa xúc tiến triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia?
Theo báo cáo e-Conomy SEA 2022 của Google, Temsek & Bain, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế số đạt tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á. Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, đóng góp của kinh tế số chiếm khoảng 14,26% GDP Việt Nam năm 2022. Trong đó, việc khai thác và sử dụng dữ liệu số một cách thông minh sẽ đưa nước ta nhanh chóng có những mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh tế số mới, mang lại những giá trị mới.
Tuy vậy, việc khai thác và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia vẫn còn đó những thách thức: “Bên cạnh câu chuyện thể chế và hành lang pháp lý được đề cập xuyên suốt sự kiện, 2 bài toán lớn trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia có thể kể tới gồm: Thứ nhất là sự biến đổi liên tục, nhanh chóng của công nghệ - tỷ lệ nghịch với độ trễ trong quá trình xem xét phê duyệt đầu tư công. Làm thế nào để duy trì được tốc độ đầu tư theo kịp được tốc độ của công nghệ, đó là một thách thức rất lớn? Nút thắt thứ hai là bài toán nguồn lực đầu tư công không đủ để đáp ứng nhu cầu sử dụng dữ liệu của xã hội”, ông Minh nhận định.
Với khó khăn nêu trên, đâu sẽ là chìa khóa xúc tiến quá trình triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia? Tổng Giám đốc FPT IS khẳng định sự hợp lực từ Chính phủ, địa phương và doanh nghiệp theo mô hình hợp tác công tư (PPP) sẽ lời giải then chốt.
Đây cũng là quan điểm được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tại sự kiện: “Dữ liệu là nguồn tài nguyên vô tận thúc đẩy sáng tạo và trí tuệ con người. Nhưng để khai thác dữ liệu thì cần có sự vào cuộc không chỉ Chính phủ mà còn các cơ quan, doanh nghiệp. Chỉ có doanh nghiệp, nhà khoa học mới đóng góp tốt nhất cho xây dựng khuôn khổ chính sách về dữ liệu, kinh tế số vì họ là người trong cuộc, nhìn ra được những khó khăn hay xu hướng mới”.
Tại Hội nghị, ông Minh trích dẫn báo cáo PPP Reference Guide của World Bank để minh chứng cho hiệu quả của của các dự án hợp tác công tư. Số liệu nghiên cứu cho thấy hình thức PPP giúp tối ưu chi phí, nguồn lực, rút ngắn thời gian triển khai dự án.
Cùng với đó, rất nhiều câu chuyện thành công điển hình trên thế giới theo mô hình PPP đang trở thành nguồn cảm hứng cho các quốc gia nghiên cứu, học hỏi. Tiêu biểu như tại Estonia, thay vì chọn lối đi một mình, Chính phủ song hành cùng 8 công ty tư nhân, ngân hàng thương mại triển khai nền tảng X-road để xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, cung cấp 3.000 dịch vụ công trực tuyến toàn quốc cho 52.000 tổ chức sử dụng hàng ngày.
Hoặc tại Singapore, việc triển khai mô hình PPP trở thành kim chỉ nam thúc đẩy kinh tế số. Tiêu biểu với CODEX – Nền tảng được chia sẻ giữa các cơ quan chính phủ và khu vực tư nhân, hướng tới mục tiêu phát triển các dịch vụ số tốt hơn, nhanh hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Năm 2022, mô hình hợp tác nhà nước và doanh nghiệp này đã tạo 60 triệu USD giá trị kinh tế. Nếu nhìn con số 60 triệu USD trên dân số 5,6 triệu người dân Singapore, đây là nguồn lực không hề nhỏ.
Doanh nghiệp tư nhân sẵn sàng tham gia giải bài toán cơ sở dữ liệu quốc gia
Chia sẻ trong phiên khai mạc “Mô hình hợp tác công tư trong Xây dựng và Khai thác dữ liệu số”, ông Minh đã có những đề xuất thiết thực, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp công nghệ số như FPT IS hỗ trợ đắc lực hơn cho khối nhà nước, lẫn tư nhân trong tiến trình hoàn thiện cơ sở dữ liệu.
Thứ nhất, đề xuất xây dựng kiến trúc dịch vụ công trong đó phân tách được các dịch vụ do chính phủ và doanh nghiệp cung cấp. Thứ hai, đề xuất thành lập Cơ quan chuyên trách Quốc gia về Hợp tác Công tư cho ngành công nghệ thông tin. Thứ ba, đề xuất thí điểm cơ chế cho phép doanh nghiệp được cung cấp một số dịch vụ từ các cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Là một trong những đơn vị công nghệ tiên phong chuyển đổi số Việt Nam, Tập đoàn FPT nói chung và FPT IS nói riêng đến nay đã song hành cùng chính phủ, địa phương triển khai công nghệ trong hơn 30 năm, tại hơn 25 tỉnh, thành phố như Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Hà Giang, Lào Cai,…
Hiệu quả mang lại có thể kể tới như dự án xây dựng Kho dữ liệu dùng chung TP Hồ Chí Minh, địa phương đã tự động hóa quy trình thu thập và xử lý dữ liệu, tự động hoá hệ thống báo cáo, giúp tích hợp và cập nhật liên tục 60 cơ sở dữ liệu, chia sẻ liên tục 40 cơ sở dữ liệu giữa nhiều đơn vị khác nhau. Cùng với đó, báo cáo về sức khỏe của doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh được cập nhật định kỳ (1 tuần 1 lần).
Trong câu chuyện chuyển đổi số tại Lào Cai, FPT IS cùng lãnh đạo địa phương xây dựng chiến lược số cho tỉnh, đưa ra đề xuất phân định rõ các dữ liệu địa phương cần xây dựng, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng chung trên cơ sở kế thừa, đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia đã và đang triển khai, đồng thời đề xuất các nhóm thông tin cần hình thành. Nhận định về hiệu quả, lãnh đạo tỉnh đánh giá chiến lược số này đã giúp tỉnh khai thác và xây dựng kho dữ liệu chuẩn, tích hợp và chia sẻ trên hệ thống LGSP địa phương, góp phần quan trọng trong quá trình phân tích, dự báo, định hướng phát triển chương trình chuyển đổi số của lãnh đạo tỉnh.
“Với thế mạnh công nghệ trong mảng dữ liệu, kinh nghiệm am hiểu bài toán chuyển đổi số cùng nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, FPT IS cam kết song hành cùng chính phủ, địa phương thúc đẩy triển khai cơ sở dữ liệu theo tiêu chí đúng - đủ - sạch - sống”, ông Minh khẳng định quyết tâm.
Tại triển lãm Viet Nam - Asia DX Summit 2023, FPT IS cũng giới thiệu hàng loạt giải pháp tiêu biểu thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số Made by FPT IS trong cả ba trụ cột gồm chính phủ số, kinh tế số và xã hội số gồm có: Giải pháp chống giả mạo xác thực số - FPT.IDCheck; thiết bị xác thực thẻ CCCD gắn Chip - FPT.IDReader; giải pháp tự động hóa quy trình nghiệp vụ RPA – akaBot.
Gửi phản hồi
In bài viết